Cách phòng ngừa gãy xương ở người cao tuổi

Khi bị gãy xương, khả năng liền xương của người cao tuổi rất kém và thời gian cần để phục hồi lâu. Sau đây là các bước bạn có thể áp dụng để sơ cứu và ngăn ngừa gãy xương ở người cao tuổi.

Người cao tuổi có thể bị gãy xương dễ dàng khi bị té ngã nhẹ. Thống kê cho thấy 90% nguyên nhân gãy xương ở người cao tuổi là do loãng xương, dẫn đến xương giòn và dễ gãy. Hình thức gãy xương phổ biến nhất ở người già là gãy xương đùi và xương hông.

CÁCH SƠ CỨU KHI BỊ GÃY XƯƠNG

1. Người cao tuổi bị gãy xương hông sẽ rất đau đớn quanh vùng hông. Lúc này, bạn đừng cố di chuyển họ mà nên gọi cấp cứu ngay (115).

2. Bạn không nên cho người cao tuổi ăn hay uống trong khi chờ xe đến vì có thể họ sẽ phải tiến hành phẫu thuật.

3. Sau khi có xe cứu thương, người cao tuổi sẽ được đưa lên cáng và vào xe an toàn.

4. Các bác sỹ sẽ chụp X-quang và có thể phẫu thuật để sắp xếp lại xương bị gãy.

20151105-suc-khoe-gay-xuong-3

Người cao tuổi có nguy cơ bị gãy xương cao

BIỆN PHÁP DỰ PHÒNG GÃY XƯƠNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI

− Tích cực tập thể dục để giảm loãng xương, tăng sức mạnh cơ bắp, cải thiện sự tỉnh táo và tăng khả năng giữ thăng bằng của cơ thể.

− Khi ra ngoài, người cao tuổi nên có chiếc gậy để hỗ trợ và đi giày có đế cao su để tránh trơn trượt, giảm nguy cơ té ngã.

− Thu gọn dây điện, vật dụng cản đường ở lối đi của người lớn tuổi.

− Thắp sáng nhà, đặc biệt là ở cầu thang, phòng tắm thường có nước.

− Cầu thang cần có tay vịn chắc chắn.

− Bạn nên lắp thêm các thanh vịn trên tường phòng tắm.

− Bố trí cho người lớn tuổi ngủ ở tầng thấp, gần toilet và giường ngủ không quá cao.

− Người lớn tuổi cần ăn, uống thực phẩm giàu can-xi để duy trì sức khỏe xương.

NHỮNG CON SỐ ĐÁNG SỢ

• 2 tuần là khoảng thời gian nằm viện của hầu hết các bệnh nhân lớn tuổi bị gãy xương hông. Khoảng một nửa số bệnh nhân này không thể tự lo cho bản thân sau khi được xuất viện.

• 65 tuổi trở lên, 60% trường hợp té ngã gây tử vong xảy ra trong gia đình, 30% ở nơi công cộng và 10% trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Mỹ.

• 206 xương trong cơ thể đều có thể bị gãy khi va chạm. Tuy nhiên, có những vị trí dễ gãy hơn như mắt cá chân, xương hông, cổ tay, cánh tay và xương đòn.

• 2050 là năm mà hơn 1/2 trường hợp gãy xương hông trên thế giới sẽ xảy ra ở châu Á, Hiệp hội loãng xương thế giới (IOF) cảnh báo. Dân số châu Á đang già đi và đây là nhóm dễ bị loãng xương nhất.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua