Chúng ta luôn nghĩ rằng, sống cùng anh, chị, đứa nhỏ sẽ an toàn. Thực tế không như bạn kỳ vọng! Đôi khi những đứa trẻ sống cùng nhau, chúng rất dễ làm tổn thương nhau về thể xác; tinh thần mà ta gọi chung là bạo hành trẻ em.
Loại bạo hành trẻ em phổ biến nhất…
Bạn đã bao giờ bị anh, chị ruột của mình tát, đánh, đá, đấm; xô đẩy, chửi mắng hay sỉ nhục chưa? Rất nhiều người đã trả lời có. Thậm chí là cả những trường hợp đau đớn hơn như bị lạm dụng tình dục.
Đó là những kiểu bạo hành trẻ em phổ biến nhất; khi những đứa trẻ sống cùng nhau dưới một mái nhà.
Việt Nam chưa có thống kê nào về kiểu bạo hành này. Nhưng theo các nghiên cứu trên thế giới, bạo hành giữa anh chị em là dạng phổ biến nhất. Nó phổ biến hơn cả cha mẹ bạo hành con cái; hoặc bạo hành giữa vợ và chồng.
Các chuyên gia ước tính, 35% trẻ em là nạn nhân của bạo lực giữa anh, chị, em tại Mỹ.
…nhưng chưa được quan tâm
Tiến sĩ Eileen Kennedy-Moore trong bài viết trên Psychology Today; chia sẻ: “Tôi đã nghe những câu chuyện khủng khiếp về việc lạm dụng thể xác và tinh thần giữa anh chị em. Có thể kể đến cố ý gây thương tích; đe dọa nhau và lạm dụng tình dục cũng rất phổ biến. Vì bọn trẻ sống cùng nhau, nên không có lối thoát cho nạn nhân”.
Bên cạnh đó, thái độ thờ ơ của cha mẹ với bạo hành giữa các con; cũng là nguyên nhân khiến bạo hành trẻ em vẫn tiếp diễn.
Đa số phụ huynh biết nhưng mặc kệ, cho rằng đó là chuyện trẻ con. Đó là trò chọc phá nhau, là một phần bình thường của quá trình trưởng thành; mà ngày xưa họ cũng từng trải qua.
Có cha mẹ được nạn nhân kể lại nhưng không tin lời con; thường xua đi bằng những lý do đổ lỗi cho nạn nhân: “Con có hư thì mới bị đánh”; “Phải ăn đòn mới khôn lên được”; hay “đồ mít ướt”, “chút xíu đã khóc”…
Cũng có cả các bậc cha mẹ biết được chuyện động trời giữa các con; nhưng vì danh dự gia đình, lo sợ tương lai của các con, đã giấu nhẹm mọi chuyện.
Thái độ thờ ơ của cha mẹ khiến bọn trẻ nghĩ đây là chuyện bình thường. Và rồi, kẻ bạo hành cứ bạo hành, kẻ hứng chịu cứ hứng chịu.
Tuổi thơ của nạn nhân bạo hành trẻ em trở thành địa ngục với những ký ức đau đớn.
Dù là bạo hành thể chất, tinh thần hay tình dục; những vết sẹo mà nạn nhân phải mang theo hằn đau suốt cuộc đời.
Bọn trẻ sợ hãi, chẳng biết nhờ ai giúp vì ngay cả bố mẹ cũng chẳng tin mình. Chúng mất niềm tin vào tất cả và cuối cùng dễ lạc lối trong các quyết định về cuộc sống.
Chúng dễ gặp khó khăn trong các mối quan hệ và cả tình dục sau này.
Theo một nghiên cứu ở Anh; trẻ em đã được hỏi về chuyện bạo hành giữa anh chị em ở tuổi 12; sau đó đánh giá sức khỏe tâm thần ở tuổi 18. Kết quả, những trẻ báo cáo bị bắt nạt nhiều lần/tuần có thể gặp vấn đề trầm cảm; và tự hại bản thân ở tuổi 18 gấp đôi so với trẻ khác.
Chúng cũng trở thành nạn nhân của chính mình. Trẻ có nguy cơ trở thành kẻ bạo hành trong tương lai.
Mẹ và con cùng học
Lạm dụng, bạo hành trẻ em xảy ra khi một trẻ luôn đe dọa; khủng bố hoặc kiểm soát trẻ khác.
Đây là vài dấu hiệu giúp bạn nhận diện con đang là nạn nhân bạo hành từ chính anh, chị ở nhà.
– Trẻ luôn tránh né, tỏ ra sợ sệt anh chị.
– Trẻ có những thay đổi trong hành vi như căng thẳng hơn; lo lắng hoặc thay đổi thói quen ngủ, ăn uống hoặc gặp ác mộng.
– Theo dõi các con chơi; bạn thấy một đứa luôn là kẻ thống trị, đứa kia là kẻ phục tùng.
– Trẻ sợ bị bỏ lại một mình với anh chị em.
– Tuân thủ mọi yêu cầu của anh chị em, dù không thích.
– Có vết bầm tím, hoặc vết trầy xước không rõ nguyên nhân.
– Nói với bạn mình bị anh, chị, em bắt nạt.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ; bạn hãy nhẹ nhàng hỏi con về những việc trẻ thường làm với anh; chị, em khi không có cha mẹ ở nhà.
Nếu con nói bị lạm dụng, bạn cần phải tin con. Bạn có thể can thiệp bằng nhiều giải pháp:
– Đặt ra các quy tắc kỷ luật để ngăn chặn bạo hành nhau; như không được đánh đập, đặt biệt danh mỉa mai nhau, đe dọa bằng vũ lực…
– Dừng trao trách nhiệm cho trẻ lớn trông coi trẻ nhỏ. Hãy thuê gia sư thay vì kêu đứa lớn dạy đứa nhỏ. Thuê người giúp việc thay vì yêu cầu đứa lớn tắm cho đứa nhỏ – hoặc tự tay làm.
– Dành thời gian nói chuyện với con; đặc biệt là sau khi chúng ở nhà cùng anh, chị, em.
– Dạy cho các con của bạn cách hòa giải xung đột đúng đắn mà không dùng bạo lực.
– Dạy con bạn “sở hữu” cơ thể của chính mình; không được ai đụng chạm vào bản thân; bất kể là anh, chị, em thân thuộc.
Trẻ cần một môi trường an toàn để lớn lên. Hãy để tâm đến mối quan hệ của các con để ngăn chặn các vấn đề tiềm ẩn!
Bài: XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình