Gõ từ khóa “tỏi đen” trên Google, chỉ trong 0,36 giây, tôi đã thấy có hơn 300.000 kết quả hiển thị. Nếu dạo một vòng qua các website chào bán tỏi đen, bạn sẽ thấy đây là một thị trường rất sôi động. Theo lời quảng cáo, tỏi đen có rất nhiều công dụng không ngờ.
Vì vậy, các website chào bán tỏi đen với giá cao, khoảng 250.000 đồng/200g, đắt gấp 16 – 18 lần tỏi thường (14.000 – 16.000 đồng/200g). Đó là chưa kể đến “phong trào” cách làm tỏi đen bằng bia trong nồi cơm điện để dùng dần ở các gia đình. Vậy tỏi đen có tác dụng gì và cách làm thế nào? Bạn hãy cùng Tiếp Thị Gia Đình tìm hiểu nhé!
TỎI ĐEN LÀ GÌ?
Từ lâu, tỏi đen được sử dụng phổ biến tại Hàn Quốc, Nhật Bản và dần được yêu thích tại các nước phương Tây. Thật ra, tỏi đen là tỏi tươi được lên men ở nhiệt độ 60 – 76°C.
Cách làm tỏi đen: Mua 1 – 2kg tỏi tươi, chọn những củ tỏi to tròn, làm sạch tỏi. Lót giấy bạc vào trong nồi cơm điện, cho tỏi vào quấn chặt giấy bạc lại. Đậy nắp nồi, bật nút warm. Sau hai tuần, mở nắp nồi, lấy tỏi ra ngoài. Lúc này, tỏi còn hơi ướt, có màu đen. Phơi nắng tỏi tiếp ba ngày nữa hoặc đến khi tỏi khô cứng lại. Tỏi chứa đường và a-xít amin. Qua quá trình lên men, những thành phần này sản sinh melanoidin, một chất có màu đen.
TÁC DỤNG CỦA “THẦN DƯỢC” TỎI ĐEN
Một thí nghiệm trên chuột năm 2009 của các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chứng minh tỏi đen hiệu quả gấp đôi tỏi tươi trong việc làm giảm kích thước của khối u. Một nghiên cứu khác cho thấy, tỏi đen có hàm lượng các chất chống ô-xy hóa cao gấp hai lần tỏi tươi. Bên cạnh đó, tỏi đen cũng có nồng độ cao chất S-Allycysteine (SAC), một hợp chất đã được chứng minh là yếu tố ngăn ngừa ung thư và hạn chế tổng hợp cholesterol.
Ngoài ra, tỏi đen cũng có chung tác dụng như tỏi tươi là giúp điều chỉnh lượng đường huyết, cải thiện chức năng gan, chống các bệnh đường hô hấp, chống nhiễm trùng, giúp tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng, chữa chứng đầy bụng và ăn không tiêu.
MẦM TỎI, “NGƯỜI HÙNG” MỚI XUẤT HIỆN
Theo một bài báo đăng trên tờ Agricultural and Food Chemistry, để cải thiện hoạt tính chống ô-xy hóa của tỏi tươi là cho chúng nảy mầm. Nhánh tỏi có mầm non khoảng 5 ngày sẽ có giá trị dinh dưỡng cao và đạt được độ chống ô-xy hóa vượt trội. Nguyên nhân là do trong quá trình sinh trưởng, để bảo đảm cho sự phát triển khỏe mạnh, nhánh tỏi sẽ sản sinh ra nhiều hợp chất dinh dưỡng mới, bao gồm cả việc bảo vệ mầm tỏi chống lại bệnh.
CÁCH SỬ DỤNG TỎI ĐEN
Tỏi đen có vị ngọt, dẻo, dễ ăn vì không còn mùi hăng như tỏi tươi nữa. Có nhiều cách chế biến món ăn từ tỏi đen. Nếu thích, bạn có thể ăn tỏi đen trực tiếp, làm thành các loại salad trộn rất tốt cho sức khỏe. Nếu cầu kỳ hơn, khi chế biến sốt ăn với sandwich, mì spaghetti, cá nướng… bạn có thể cắt nhỏ vài tép tỏi đen vào sẽ giúp món ăn thơm ngon hơn.
Bạn thấy đấy tỏi đen có rất nhiều công dụng thần kỳ và cách làm tỏi đen cũng không hề khó lắm, vậy thì tại sao bạn không thử nghiệm nhỉ? Hãy thực hiện và chia sẻ cùng mọi người bạn nhé.
Mục Sức khoẻ / Tiếp Thị Gia Đình