Cách làm sữa chua tại nhà: Những vấn đề thường gặp và cách giải quyết

Bạn đã thử nhiều cách làm sữa chua tại nhà nhưng không đạt được kết quả như ý. Vì sao? Hãy cùng tham khảo những khả năng vì sao hũ sữa chua làm tay của bạn bị hỏng.

Tiếp Thị Gia Đình đã mách bạn nhiều cách làm sữa chua tại nhà. Tuy nhiên, trong quá trình làm sữa chua có nhiều vấn đề có thể xảy ra khiến hũ sữa chua của bạn không được ngon. Hãy cùng tham khảo những lý do cũng như cách giải quyết những vấn đề thường gặp khi làm sữa chua tại nhà.

1. Sữa chua không đông và không chua

Bạn đã ủ sữa chua trong một thời gian dài bằng lò nướng điện hoặc máy ủ sữa chua chuyên dụng, nhưng hũ sữa chua của bạn vẫn loãng và lõng bõng nước. Có khả năng sữa chua của bạn không có vi khuẩn giúp lên men sữa. Trường hợp này xảy ra vì:

– Bạn đã dùng sữa chua làm men cái không có vi khuẩn lên men. Thực chất không phải sữa chua nào mua ở siêu thị cũng có vi khuẩn giúp lên men sữa. Bạn cần đọc bao bì sản phẩm để đảm bảo hộp sữa chua dùng làm men cái có ghi hàng chữ: “Live Active Culture”, có nghĩa là chứa vi khuẩn lên men.

– Bạn đã thêm men cái khi sữa quá nóng. Men sữa chua thực chất là vi khuẩn, nên chúng sẽ không sinh sản được trong môi trường nóng hơn 40ºC. Nếu bạn thêm men cái vào khi sữa quá nóng, có khả năng nhiệt độ đã giết vi khuẩn cần thiết để giúp sữa lên men.

– Bạn ủ sữa chua ở nhiệt độ không đủ cao. Ủ sữa chua ở nhiệt độ quá “nguội” dẫn đến việc men không phát triển được.

cach-lam-sua-chua-ngon-tai-nha-buoc-3-men-cai-hinh-anh

Cách làm sữa chua tại nhà hiệu quả: Đảm bảo pha sữa không quá nóng (hơn 50ºC) vào men cái của bạn.

2. Sữa chua có vị quá chua

Điều này xảy ra khi bạn ủ sữa chua ở nhiệt độ quá cao, hoặc quá lâu. Khi bạn giảm nhiệt độ cũng như thời gian ủ, bạn sẽ có hũ yaourt ít chua hơn.

3. Sữa chua bị tách nước, không mịn

Trường hợp này xảy ra khi bạn ủ sữa chua trong thời gian quá lâu trong môi trường quá nóng. Bạn có thể xử lý việc sữa chua bị tách nước như sau:

– Lọc sữa chua (tương tự cách làm sữa chua dẻo). Việc này sẽ giúp loại bỏ phần nước lõng bõng trong sữa chua. Sau đó, với dụng cụ đánh trứng, bạn khuấy đều để những phần lợn cợn của sữa chua tan đều ra.

– Rút kinh nghiệm khi ủ sữa chua. Nếu ủ sữa chua ở 40ºC, bạn chỉ nên ủ sữa từ 4-5 tiếng đồng hồ. Còn nếu ủ ở nhiệt độ thấp hơn thì bạn có thể kéo dài thời gian ủ sữa chua.

cach-u-sua-chua-tai-nha-hinh-anh-02-lo-nuong-dien

Nếu chưa có kinh nghiệm làm sữa chua tại nhà, bạn nên ủ sữa chua bằng những phương pháp an toàn như dùng máy ủ chuyên dụng hay lò nướng điện có chế độ nấu ở 40ºC.

4. Sữa chua vị bột hoặc nhám

Nếu hương vị của sữa chua bình thường, nhưng không mịn mà lại có những hạt bột bột, bề mặt nhám có lẽ bạn đã đun sữa sôi quá nhanh. Bạn nên dùng lửa liu riu khi đun sữa và không nên để sữa sôi trào. Ước tính, để đun một lít sữa đến 50ºC, bạn sẽ mất tối thiểu 10 phút.

Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể dùng máy đánh trứng hay dụng cụ đánh trứng để khuấy đều sữa chua.

cach-lam-sua-chua-tai-nha-hinh-anh-sua-chua-bi-nham

Khi áp dụng cách làm sữa chua tại nhà, đừng lo nếu sữa chua bị nhám. Bạn chỉ cần đánh cho sữa nhuyễn lại là được.

5. Sữa chua nổi mốc

Nếu phát hiện nấm mốc nổi trên bề mặt sữa chua, có thể bạn đã gặp phải những vấn đề sau trong cách làm sữa chua tại nhà:

– Bạn không vệ sinh kỹ các dụng cụ, hũ đựng sữa chua của mình.

– Bạn dùng sữa tươi đã quá đát sử dụng, lại không được đun lên cẩn thận để loại bỏ vi khuẩn xấu.

– Bạn dùng men cái hết đát hoặc bị hư hỏng.

Bạn không nên dùng sữa chua bị mốc mà nên làm lại hoàn toàn từ đầu.

6. Sữa chua bị nhớt

Có nhiều lý do khiến sữa chua bị nhớt. Bạn tham khảo thử một vài nguyên nhân ở đây.

– Bạn ủ sữa chua ở nhiệt độ quá thấp, không đạt tiêu chuẩn 40–45ºC.

– Bạn không khuấy men cái với sữa nóng trước khi trộn vào nồi sữa. Khi men cái quá lạnh, vi khuẩn sẽ không được kích hoạt, dẫn đến trường hợp men không phát triển khi khi ủ sữa.

– Sữa bị nhiễm khuẩn trước khi giai đoạn ủ.

– Bạn dùng sữa đặc pha nước thay vì dùng sữa tươi, dẫn đến trường hợp sữa không đủ protein để đông lại.

Nếu bạn có câu hỏi hoặc kinh nghiệm liên quan đến cách làm sữa chua tại nhà, đừng ngần ngại chia sẻ với Tiếp Thị Gia Đình nhé. Chúc bạn thành công.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua