Khen phạt công tâm, ấm lòng con trẻ

Tâm lý con trẻ thường rất thích được khen và cũng biết xấu hổ trước những lời chê bai, trách phạt. Bạn đã biết cách khen, phạt đúng cách chưa?

cách khen phạt con

Bạn đã biết cách khen phạt con đúng chưa? Ảnh: Shutterstock

Trong buổi họp phụ huynh cho con vào cuối học kỳ I, con chị Trang (Hà Nội) nằm trong top học sinh có thành tích học tập kém nhất lớp. Quá tức giận, cộng với cảm giác “quê” với các phụ huynh có con cái giỏi giang hơn, chị Trang dành cả nửa ngày để la mắng, giáo huấn con. Chị còn ra “tối hậu thư” buộc con phải vươn lên top giữa trong học kỳ tới.

Vậy mà, thằng bé con chị chẳng những không tiến bộ, còn ngày càng thụt lùi khi liên tục nhận về những điểm số kém. Cảm thấy mình bất lực trong việc dạy con, chị Trang tìm đến chuyên gia tâm lý để gỡ rối.

Đâu đó trong chúng ta, hầu như ai cũng tìm thấy hình ảnh của mình trong tình huống mà chị Trang gặp phải. Nuôi một đứa trẻ đã khó, dạy dỗ và uốn nắn chúng còn khó gấp trăm lần. Nên có thái độ với trẻ ra sao sau buổi họp phụ huynh để trẻ không mang tư tưởng “Thắng không kiêu, bại không nản”, đó là áp lực lớn mà hầu như người mẹ nào cũng từng trải qua. Hãy học cách khen phạt con!

Nếu trẻ có thành tích tốt

Tự hào và hạnh phúc, bạn muốn dành tất cả những lời khen có cánh cho con sau khi biết kết quả học tập xuất sắc. Nhưng bạn đừng nên làm vậy kẻo dễ khiến trẻ nảy sinh tâm lý tự tin thái quá, không còn cố gắng trong học kỳ sau. Những việc bạn nên làm với trẻ:

Ôm con thật chặt

Cái ôm này thay cho lời khen ngợi mà bạn dành cho con. Không cần những lời nói hoa mĩ, tâng bốc. Chỉ một vòng tay yêu thương cùng nụ cười rạng rỡ của bạn là đủ để con hiểu bé đã làm tốt, và bạn hài lòng vì điều đó.

Hãy để con tự đánh giá bản thân

Thay vì sử dụng những câu khen ngợi thường thấy như: “Con làm rất tốt!”, “Con của mẹ giỏi quá!”… bạn hãy hỏi ngược lại trẻ: “Con nghĩ thành tích của mình như vậy đã ổn chưa?”. Dù câu trả lời của trẻ là “Chưa” hay “Rồi”, bạn cũng nên khuyến khích: “Con đã làm khá tốt rồi, nhưng nếu cố gắng hơn, thành tích con đạt được sẽ cao hơn nữa”. Lời “khích tướng” này vừa có tác dụng ngợi khen, vừa là đòn bẫy để trẻ tiếp tục phấn đấu.

Thưởng cho con món quà ý nghĩa

Một món quà không mang nặng giá trị vật chất sẽ rất có ý nghĩa vào thời điểm này. Hãy nói rõ đây chính là phần thưởng của bạn dành cho những nỗ lực của con.

Nếu trẻ có thành tích trung bình

Không đến mức thất vọng nhưng chưa hoàn toàn hài lòng, bạn muốn con nỗ lực nhiều hơn để cải thiện thành tích. Muốn vậy, bạn cần có cách khen phạt con phù hợp.

Khiển trách nhẹ nhàng

Đừng tỏ ý chê bai con, càng không nên so sánh con với những người bạn đạt thành tích tốt hơn. Thay vì vậy, hãy nhẹ nhàng khiển trách: “Con thấy đấy, chỉ cần một phút con lơ là thì các bạn đã vượt qua con. Mẹ biết con đã cố gắng rất nhiều, nhưng các bạn còn cố gắng hơn con nữa. Nếu tiếp tục thiếu tập trung, rất có thể con sẽ lọt xuống top dưới. Con không muốn như vậy phải không?”.

Động viên con

Sau khi khiển trách và giúp trẻ nhận ra vấn đề, bạn cần “lên dây cót” bằng cách động viên con: “Giờ mẹ con mình làm lại nhé! Trong học kỳ tới, mẹ muốn con nỗ lực hết sức để bắt kịp các bạn top đầu. Con gặp khó khăn gì, mẹ sẽ giúp, chỉ cần con cố gắng”.

Tạo tâm lý thoải mái và hứa hẹn tặng quà

Bạn hãy tạo cho con tâm lý thoải mái bằng cách dẫn con đi chơi kèm lời hứa hẹn: “Nếu lần sau đạt được điểm số tốt hơn, con sẽ nhận được quà xứng đáng”.

Nếu thành tích của con quá tệ

Phải làm sao khi bao nhiêu hy vọng bạn đặt vào con giờ tan thành mây khói? Đừng vì quá thất vọng mà trút giận lên đầu trẻ. Lúc này, bạn cần bình tĩnh để có cách khen phạt con hợp lý:

Nghiêm khắc phê bình con

Hãy cho con biết bạn chưa hài lòng với những gì bé thể hiện, cho con biết bạn sẽ cực kỳ thất vọng nếu học kỳ tới bé không tiến bộ. Tuy nhiên, phê bình không đồng nghĩa với trừng phạt. Đừng dùng những lời chỉ trích nặng nề hay đòn roi để giáo huấn con.

Tìm hiểu lý do

Phê bình con là quan trọng, nhưng tìm ra lý do khiến con có thành tích kém còn quan trọng hơn. Bạn hãy nhẹ nhàng hỏi con có gặp khó khăn gì trong quá trình học tập. Khúc mắc ở đâu tháo gỡ ở đó. Chỉ cần tìm được nguyên nhân, bạn sẽ dễ dàng giúp con khắc phục.

Đặt mục tiêu cho con

Sau khi nghiêm khắc phê bình và tìm hiểu lý do, giờ là lúc bạn tạo cho con động lực để “lột xác” trong học kỳ mới. Hãy trở thành người bạn đồng hành của con, cùng con nỗ lực hết mình. Hơn bao giờ hết, hãy cho con biết bé không đơn độc. Bạn sẽ luôn bên cạnh giúp đỡ và động viên con.

Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua