Trong khoảng 7 năm trở lại đây, số thai phụ bị tiểu đường đã tăng gấp đôi so với trước. Đây là một thống kê đáng báo động. Tỷ lệ đường trong nước tiểu có thể tăng ở tuần thứ hai mươi của thai kỳ. Việc xét nghiệm nước tiểu khi mang thai và nắm các thông tin trên tờ xét nghiệm rất có ý nghĩa đối với người mẹ và thai nhi.
Sau đây là một số điều lưu ý trong kết quả xét nghiệm nước tiểu khi mang thai
• GLUCOSE: Nếu bạn dùng nhiều thức ăn ngọt trước khi xét nghiệm, sự xuất hiện của hàm lượng glucose trong nước tiểu là điều bình thường. Nhưng nếu lượng đường ở lần xét nghiệm thứ hai cao hơn lần đầu, đây là dấu hiệu cảnh báo bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nếu có kèm các chứng mệt mỏi, luôn khát nước, sụt cân, bạn nên đến bác sĩ để được kiểm tra lượng đường huyết. Nếu lượng đường huyết trong thai kỳ cao, bạn có thể đối mặt với các nguy cơ như thai nhi bị dị tật ống thần kinh, nứt đốt sống, thai lớn… Khi phát hiện bạn bị tiểu đường trong thai kỳ, bác sĩ sẽ có chỉ định để ổn định lượng đường huyết.
• PROTEIN (ĐẠM): Nếu kết quả xét nghiệm nước tiểu khi mang thai phát hiện chứa protein, tình trạng của thai phụ có thể liên quan đến các chứng: thiếu nước, mẩu xét nghiệm chứa dịch nhầy, nhiễm trùng đường tiểu, tăng huyết áp, có vấn đề ở thận… Vào giai đoạn cuối thai kỳ, nếu lượng protein nhiều trong nước tiểu, thai phụ có nguy cơ bị tiền sản giật, nhiễm độc huyết. Nếu thai phụ có các dấu hiệu như phù ở mặt và tay, tăng huyết áp (h140/ 90mmHg), bạn cần được kiểm tra chứng tiền sản giật ngay. Ngoài ra, nếu chất albumin (một loại protein) được phát hiện trong nước tiểu cũng cảnh báo thai phụ có nguy cơ nhiễm độc thai nghén hoặc mắc chứng tiểu đường.
• VI KHUẨN: Xét nghiệm nước tiểu còn có tác dụng phát hiện ra nitrite, hợp chất do vi khuẩn sinh ra. Nếu trong nước tiểu có chứa nitrite, thai phụ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiểu.
• KENTONE: Đây là chất được thải ra ở đường tiểu, cho biết thai phụ và thai nhi đang thiếu dinh dưỡng hoặc mắc chứng tiểu đường. Khi phát hiện lượng kentone, kèm theo các dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi, thai phụ nên được bác sĩ chỉ định truyền dịch và dùng thuốc. Để giảm hết lượng kentone, thai phụ nên thư giãn, nghỉ ngơi và cố gắng không bỏ bất kỳ bữa ăn nào.
• CHẤT CẶN: Nếu khi xét nghiệm phát hiện trong nước tiểu có chất cặn, thì có thể do dịch nhầy từ âm đạo. Tuy nhiên, nếu cặn lắng nước tiểu chứa nhiều vi trùng như E. coli, Klebsiella, Pneumonia, Enterobacter, Proteus… Điều này cho thấy thai phụ có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
• BẠCH CẦU: Khi nước tiểu có chứa bạch cầu, thai phụ có thể đang bị nhiễm khuẩn hoặc nấm. Trong quá trình chống lại các vi khuẩn xâm nhập, một số hồng cầu đã chết và thải ra đường tiểu. Do vậy, bạn cần xét nghiệm nitrite để xác định vi khuẩn gây viêm nhiễm.
• NTBT: Nếu xét nghiệm nước tiểu khi mang thai không phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ ghi NTBT (nước tiểu bình thường) trên giấy xét nghiệm.
Tiếp Thị Gia Đình