Mặc dù là một vật nuôi trung thành nhưng với bản năng hoang dã của mình, những chú chó thân thiện vẫn có thể tấn công bạn bất cứ lúc nào. Điều gì đã khiến những con chó bỗng trở nên hung hăng hơn? Dấu hiệu nào giúp bạn nhận biết những con chó chuẩn bị tấn công? Làm sao để thoát thân hoặc cách đề phòng chó tấn công nhằm hạn chế thương tích từ hàm răng sắc nhọn của chúng? Tiếp Thị Gia Đình sẽ mách bạn ngay đây!
BẢN NĂNG CỦA LOÀI CHÓ
Cũng như các loài động vật khác, bản năng của loài chó khiến chúng có những hành vi tấn công những kẻ có ý định xâm hại đến mình, kể cả con người. Một số lý do khiến chó tấn công bạn là:
• Nhầm tưởng bạn là… con mồi: Khi bạn có những chuyển động nhanh như chạy bộ, đạp xe… sẽ dễ khêu gợi bản năng săn bắt của loài chó, khiến chúng tưởng bạn là con mồi. Lúc này, chúng có thể đuổi theo bạn. Vì vậy, bạn nên chậm rãi đi ngang qua hoặc né chúng từ xa đề phòng bị tấn công bất ngờ.
• Bảo vệ lãnh thổ: Khi cảm nhận có sự đe dọa về mặt lãnh thổ, những con chó sẽ sủa rất lớn. Chúng làm vậy để cảnh báo kẻ thù. Con chó sủa càng to với nhịp điệu tăng dần cũng là lúc chúng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ của mình.
• Bị kích động: Thông thường thì những con chó sẽ bị kích động và trở nên khó kiểm soát hành vi của mình nếu bạn càng tiến lại gần đến khu vực lãnh thổ của chúng. Khi một con chó sủa lớn để cảnh báo nhưng bạn vẫn cố chấp kích động đến chúng, lập tức chúng sẽ trở nên dữ tợn hơn. Khi ấy chúng sẽ chuyển từ thế phòng vệ sang tấn công và sẵn sàng lao đến nhảy vồ lấy bạn để cắn.
NGUY CƠ BỊ CHÓ TẤN CÔNG
Các chuyên gia huấn luyện chó khuyên bạn nên lưu ý những điều quan trọng sau để có cách đề phòng chó tấn công:
• Giữ bình tĩnh: Nếu đang đối mặt với một con chó hung dữ thì bạn phải cố gắng giữ bình tĩnh. Nếu bạn có những biểu hiện lo lắng và sợ hãi, chúng tưởng rằng mình đang thắng thế và tấn công bạn ngay. Bạn cũng không nên la hét và cố bỏ chạy vì hành động đó sẽ càng kích động con chó thêm dữ tợn. Khi con chó chuẩn bị tấn công nhưng thấy bạn vẫn bình tĩnh thì nó liền khựng lại và giảm bớt sự kích động.
• Tránh nhìn vào mắt con chó: Bạn hãy tránh nhìn trực tiếp vào mắt con chó đang bị kích động nhưng vẫn phải để ý nó trong tầm nhìn. Hãy di chuyển nhẹ nhàng rời khỏi khu vực con chó đang đứng. Nếu bạn có một cây gậy, chiếc ô… thì hãy để nó ở giữa con chó và bạn. Con chó hiểu rằng bạn đang phân chia lãnh thổ và không có ý định xâm phạm đến nó nên sẽ bớt căng thẳng và hung dữ.
BẠN NÊN LÀM GÌ KHI BỊ CHÓ TẤN CÔNG?
Trước khi tấn công, con chó thường có biểu hiện gầm gừ và nhe răng. Động thái này bạn dễ dàng nhận biết và có đủ thời gian chuẩn bị cho các phương án đối phó:
• Đánh lừa chúng: cách đề phòng chó tấn công lúc này là bạn cần tìm một vật gì đó để “thế mạng”: chiếc áo khoác, khăn choàng cổ, đôi giày… và nhanh chóng đưa ra trước mặt con chó. Ngay lập tức, nó sẽ đớp ngay lấy món đồ và cấu xé. Lúc này, bạn có thể thoát thân khỏi nơi nguy hiểm.
• Nâng con chó lên khỏi mặt đất: Khi bị chó tấn công, bạn đừng cố kháng cự và kéo lê con chó khi nó đang ngoạm hàm răng sắc bén trên cơ thể. Điều này chỉ làm cho vết thương trở nên tồi tệ và trầm trọng hơn. Thay vào đó, bạn hãy cố túm lấy chân sau của con chó và nâng lên khỏi mặt đất. Bạn có thể cố gắng khống chế hoặc ném nó ra xa. Những con chó thường sẽ hoảng sợ và bỏ chạy khi biết bạn có khả năng khống chế chúng.
• Bảo vệ những khu vực nguy hiểm trên cơ thể: Bạn hãy dùng tay để bảo vệ những khu vực dễ tổn thương như ngực, mặt và cổ họng. Những khu vực ít thịt và xương cứng như ống chân, cẳng tay… sẽ ít khả năng bị tổn thương hơn nên bạn có thể dùng chúng để che đỡ. Đặc biệt, để bảo vệ các ngón tay, bạn nắm các ngón tay của mình lại thành nắm đấm. Hãy giữ chặt nguyên tư thế này để con chó không cắn đứt các ngón tay của bạn.
Bài: VƯƠNG HUY KHÔI