Cách dạy lại con hư để giúp trẻ tốt hơn

Trong một cuộc thăm dò phụ huynh, có đến 42% thú nhận con họ đã hư và 80% trong số đó lo ngại con sẽ hư đến suốt đời. Song không bao giờ là quá muộn để áp dụng những cách dạy lại con hư dưới đây

Chị Huyền Lê, bạn đọc của TTGĐ chia sẻ: “Bé trai nhà tôi bảy tuổi, đã trở thành đứa trẻ hư. Khi con còn bé, tôi rất bận bịu, vừa đi làm vừa đi học, mẹ bệnh nặng liệt giường nên thường chiều theo mọi đòi hỏi của con để tránh cảnh la hét, tranh cãi. Giờ đây, bé tự coi mình là trung tâm, ai cũng phải chiều theo ý mình, rất khó hòa hợp với bạn bè”.

Thời buổi bận rộn, bạn thường chiều theo ý trẻ để khỏi mất thời gian và để mọi việc dễ dàng. Bên cạnh đó, do có cảm giác tội lỗi vì ít dành thời gian cho con, nên nếu ở bên con, bạn chỉ muốn làm cho bé hạnh phúc. Nếu con trẻ đã có phần hư hỏng, bạn hãy áp dụng các cách dạy lại con hư như sau để giúp trẻ trở nên tốt hơn.

Cách dạy lại con hư để giúp trẻ tốt hơn

KHÔNG ĐÁP ỨNG MỌI YÊU CẦU CỦA CON

Bạn không cần phải thấy có lỗi khi không thể mua cho con đôi giày quá đắt tiền trong khi kinh tế gia đình khó khăn hoặc không thể đưa con đi chơi vì bạn bận nấu bữa tối. Điều bạn cần làm chỉ là thể hiện sự đồng cảm với con, tôn trọng cảm xúc của bé: “Mẹ biết con buồn vì chúng ta không thể đến sân chơi, nhưng hôm nay chúng ta không có thời gian. Chúng ta sẽ đi vào hôm khác nhé”.

Trong cách dạy lại con hư, giúp trẻ chấp nhận việc bé không có được tất cả mọi thứ bé muốn là bài học cần thiết. Khi con cứ nhất quyết phải mua đôi giày bé thích, bạn có thể nói: “Đôi giày này thật đẹp. Vậy con sẽ tiết kiệm để mua nó nhé. Đây là số tiền mẹ có thể cho con, còn số còn lại con sẽ để dành dần cho đến khi đủ”. Cách nói này cho bé thấy bé có thể tham gia vào việc ra quyết định và dạy bé rằng cần phải nỗ lực để có điều mình muốn thay vì bạn chỉ đơn giản đưa cho bé.

cach day lai con hu hinh anh 1

Bạn thưởng cho con bằng cách rủ con nấu món bé thích – Ảnh minh họa

KHÔNG TRANH CÃI VỀ LUẬT LỆ TRONG NHÀ

Nếu con trẻ không chịu đi cùng ba mẹ về thăm ông bà vào cuối tuần, thay vì mất thời gian để nói tới nói lui, hay giải thích lý lẽ với con, bạn chỉ cần nói: “Đây là điều chúng ta làm cùng nhau trong một gia đình”. Tương tự, có các luật lệ mà không cần phải nói nhiều, mất thời giờ cho con cãi lý, như việc ra đường phải đội mũ bảo hiểm, chơi xong phải dọn, ăn xong phải bưng bát đĩa bẩn ra bồn rửa. Con bạn có quyền thất vọng hay buồn bã khi không được điều mình muốn, song bạn không việc gì phải an ủi, vỗ về những việc như vậy.

KHI CON NẰM VẠ

Một đứa trẻ nổi cơn nằm vạ để đòi điều mình muốn là do bé nghĩ làm như thế sẽ có hiệu quả. Vì thế, trong cách dạy lại con hư, nếu bạn không lập tức đáp ứng ngay, cuối cùng trẻ sẽ dừng lại. Khi trẻ nằm vạ ở nhà, bạn chỉ cần tảng lờ bé (chú ý để bé không gặp nguy hiểm và không làm đau người khác). Khi ở nơi công cộng, thay vì bạn cuống quýt tìm mọi cách cho bé thôi đi do ngại ngùng, xấu hổ với mọi người, bạn chỉ cần dắt bé ra chỗ vắng. Nếu có xe hơi thì càng tốt, bạn hãy bình tĩnh cho bé vào xe để bé tha hồ “diễn” một mình. Khi nhận ra việc “diễn” không tác động được gì đến bạn, bé sẽ thôi.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua