Bé trai từ lúc mới sinh đến 6 tuổi
Có thể nói giai đoạn này được gọi là “Giai đoạn con trai thuộc về mẹ”. Tuy bố cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cách dạy con trai, nhưng độ tuổi này, người mẹ vẫn giữ vị trí hàng đầu ảnh hưởng đến sự trưởng thành và phát triển của trẻ.
Độ tuổi này, bạn cần cho trẻ đầy đủ tình yêu thương và cảm giác an toàn, tránh vì điều kiện khách quan mà không ở bên cạnh trẻ hoặc tìm người khác thay thế sự có mặt của bố mẹ. Khi trẻ không có đủ sợi dây gắn kết với bố mẹ ở giai đoạn này, trẻ rất dễ hình thành các phản ứng tâm lý tiêu cực như khép kín, cô độc, bất an, hoặc trở nên ngỗ nghịch để thu hút sự chú ý, quan tâm từ bố mẹ.
Bé trai từ 6 đến 13 tuổi
Giai đoạn này, trẻ đã cảm nhận được lòng hiếu kỳ thôi thúc trong thế giới nội tâm và bắt đầu muốn thử trở thành một người đàn ông. Để có cách dạy con trai đúng đắn ở lứa tuổi này, nhiệm vụ chủ yếu của bố mẹ là hình thành các phẩm chất tích cực cho trẻ. Lúc này, do sở thích và hoạt động của con trai ngày càng có xu hướng mô phỏng người bố hơn, nên quan niệm sống và cách cư xử của bố sẽ ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Vì vậy, bạn cần quan sát tinh tế tính cách và hành vi của con trai, kịp thời phát hiện, điều chỉnh những biểu hiện sai lệch và tích cực làm gương cho con.
Bé trai từ 14 tuổi trở đi
Giai đoạn này, nếu muốn trẻ chuyển tiếp thành người đàn ông trưởng thành rất cần sự dẫn dẫn của người bố. Bạn có thể tăng cường cho trẻ cùng tham gia các hoạt động xã hội cùng mình, giúp trẻ trải nghiệm thực tế và học các kỹ năng giao tiếp từ bố. Sự tương tác giữa bố và trẻ lúc này sẽ được mở rộng cả về phạm vi lẫn các khía cạnh. Cách dạy con trai này giúp trẻ trở thành một người có trách nhiệm và tự tin hơn về sau.
Bài: Lê Phương
Tiếp Thị Gia Đình