Cách dạy con ngoan: Tác động của lời nói

Trong lúc nóng giận, người lớn thường có những lời nói và ngữ điệu làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, khiến con sinh ra tâm lý “phản nghịch”, hình thành những tính cách tiêu cực. Hiểu được tầm quan trọng của lời nói cũng là yếu tố cần thiết trong cách dạy con ngoan

Ngữ khí tín nhiệm

Để có cách dạy con ngoan, bố mẹ không nên chỉ tỏ thái độ bề trên và cưỡng chế con phải theo ý mình, cho dù quan điểm của bạn xuất phát từ việc muốn tốt cho con. Dù ở lứa tuổi nào, trẻ vẫn rất hy vọng có được sự tín nhiệm từ người lớn, đặc biệt là bố mẹ.

Ví dụ, khi trẻ nói muốn học chơi cầu lông, bạn đừng tỏ ra hoài nghi năng lực của trẻ bằng câu: “Con chơi chỉ được vài lần là chán rồi bỏ thôi, học cái gì”. Cách nói này sẽ tổn thương lòng tự tôn của trẻ, khiến trẻ mất tự tin với khả năng của mình. Thay vào đó, bạn có thể nói: “Ừ, chỉ con cố gắng sẽ nhanh chóng biết chơi thật hay cho coi”. Trẻ sẽ cảm thấy mình được tin tưởng, trở nên tự tin hơn và dễ thành công hơn.

Ngữ khí tôn trọng

Bắt đầu từ khoảng 2−3 tuổi, trẻ đã ươm mầm năng lực tự ý thức và sẽ tăng mạnh theo độ tuổi trưởng thành. Lúc này, trẻ đã có những ý kiến chủ quan của mình, biết được năng lượng và khả năng của mình có những gì. Vì vậy, khi trẻ đưa ra những suy nghĩ hay yêu cầu khác với mong đợi của bạn, đừng nhận định rằng trẻ không nghe lời và có thái độ phản kháng.

Ví dụ: Bạn yêu cầu trẻ học tiếng Anh, trong khi trẻ còn muốn chơi thêm với bạn một lúc nữa. Lúc này, bạn không nên nổi giận quát mắng kiểu: “Càng lớn càng khó dạy, không lo học thì lớn lên đi chăn trâu”. Cách nói và ngữ điệu này khiến trẻ càng phản cảm và ghét học hơn.

Trong cách dạy con ngoan, sự tôn trọng là yếu tố cực kỳ quan trọng. Bạn có thể nói nhẹ nhàng hơn, cho con một chút thỏa hiệp rằng: “Con chơi một chút nữa cũng được, nhưng chơi xong phải dọn dẹp và tập trung vào học tiếng Anh thật tốt nhé”. Trẻ sẽ thấy mình được cảm thông và vui vẻ tiếp nhận yêu cầu hơn.

Ngữ khí thương lượng

cach day con hinh anh 2

Mỗi đứa trẻ đều có lòng tự tôn của mình, nếu muốn trẻ làm chuyện gì đó, tốt nhất bạn nên dùng cách nói mang tính thương lượng, đàm phán với trẻ. Điều này khiến trẻ thấy dù nhỏ tuổi nhưng mình vẫn được đối xử công bằng và được tôn trọng.

Ví dụ, bạn muốn trẻ thu dọn đồ chơi bày bừa trên sàn, có thể nói: “Đồ chơi vứt lung tung là xấu lắm đó, mẹ con mình cùng chơi thu dọn cho gọn gàng chịu không?”. Tuyệt đối tránh tỏ ra bực dọc và ra lệnh: “Con chơi cái kiểu gì mà bừa bộn vậy hả? Mau dọn đi, hư quá”. Khi nghe ngữ khí trách cứ và khẳng định “trẻ hư”, trẻ sẽ có tâm lý chống đối, cho dù làm theo yêu cầu của bạn, trẻ cũng không vui và mang trạng thái thù địch rất lâu.

Ngữ khí khen thưởng

Mỗi đứa trẻ đều có ưu điểm và thích được thể hiện. Khi bạn tinh tế nhận ra điểm mạnh ở trẻ và biết tán dương khoa học sẽ khiến trẻ tăng lòng tự tin, lạc quan và tích cực. Ví dụ khi trẻ cho bạn xem bức tranh nguệch ngoạc của mình, bạn cũng không nên tỏ ra bực bội: “Con vẽ cái gì đấy? Vẽ mãi cũng chẳng ra gì hết”. Câu nói này có thể ngay lập tức làm tiêu tan mọi sự nhiệt tình và lòng tin của trẻ.

Dù trẻ vẽ chưa đẹp, bạn hãy khen ngợi sự tích cực ở trẻ: “Con của bố/mẹ vẽ tốt rồi, tiếp tục cố gắng sẽ vẽ ngày càng đẹp hơn đó con”. Khi lòng ham muốn thể hiện được thỏa mãn và được khẳng định, trẻ sẽ càng phấn chấn và thích trải nghiệm hơn.

Ngữ khí khích lệ

cach day con hinh anh 3

Đòi hỏi trẻ không phạm sai lầm là điều không thể nào trong cách dạy con ngoan. Vì vậy, khi trẻ phạm sai, đừng chỉ trích, phê bình theo tâm trạng kích động của bạn. Điều cần làm là giúp trẻ nhận ra điểm sai ở đâu, học được bài học gì và khuyến khích trẻ dám thừa nhận lỗi và tích cực cải thiện.

Ví dụ lần đầu tiên giúp mẹ bưng bát, trẻ bất cẩn làm vỡ bát. Khi đó, nhiều người thường bực mình và quát mắng trẻ: “Có cái bát cũng cầm không xong, còn làm được tích sự gì?”. Đây thật sự là câu nói đả kích lớn cho tâm hồn của non nớt của trẻ.

Bạn cần học cách kìm chế bản thân, nhẫn nại trước những sai sót của trẻ, chẳng hạn: “Con chưa quen nên không sao, mai mốt bưng bát nhớ cẩn thận biết không? Con đi từ từ và cầm chắc hơn thì sẽ không làm rơi vỡ bát nữa”. Trẻ thấy mình được cảm thông sẽ vui vẻ nhìn nhận lỗi, cố gắng làm tốt lần sau.

Bài: Lê Phương

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua