Cách dạy con của người Nhật từ 0 đến 6 tuổi

Cách dạy con của người Nhật luôn làm nhiều bố mẹ Việt muốn học hỏi vì trẻ em Nhật rất ngoan, lễ phép, có khả năng độc lập và thông minh

Các em bé Nhật có khả năng độc lập, ngoan ngoãn, lễ phép, có khuôn khổ, gắn bó với gia đình. Một em bé hai tuổi người Nhật có thể tự làm được nhiều việc hơn so với các em bé cùng tuổi ở Việt Nam. Vì thế, cách dạy con của người Nhật đang là kim chỉ nam của nhiều bố mẹ Việt để học tập theo. Bạn hãy khám phá cách dạy con của họ thế nào nhé.

DẠY BÉ DƯỚI 3 TUỔI 

Giai đoạn này bé có khả năng ghi nhớ rất tốt. Khả năng ghi nhớ của bé trong giai đoạn này theo dạng não bộ chụp lại các thông tin. Vì thế, bạn cần dạy bé theo kiểu lặp đi lặp lại để não bộ của bé ghi nhớ thông tin.

Dạy chữ từ sớm: Khi bé từ 6 tháng tuổi trở lên, bố mẹ Nhật thường treo bảng chữ cái gần giường bé. Bế bé đến gần bảng chữ cái 2 – 3 giây/lần/ngày và lặp lại thường xuyên. Bé sẽ rất thích và khua loạn chân tay khi được đến gần bảng chữ cái. Theo nghiên cứu của Nhật, việc dạy chữ có thể làm thay đổi chức năng và dẫn đến cấu tạo não thay đổi. Trẻ càng nhỏ việc dạy chữ càng mang lại nhiều lợi ích.

cach day con cua nguoi Nhat hinh anh 1

Thường xuyên nói chuyện hay hát cho con nghe: Khi cho bé ăn, thay tã hoặc tắm bé, bố mẹ Nhật trò chuyện nhẹ nhàng với con. Ví dụ, cầm tay hoặc chân bé lên, bạn nói: “Bàn tay, bàn tay, bàn tay” hoặc “Bàn chân, bàn chân, bàn chân” và có thể hát thành giai điệu để tạo sự thích thú cho con. Ngoài ra, bạn có thể học thuộc những bài hát ru hay đồng dao và hát cho con nghe khi cần thiết.

cach day con cua nguoi Nhat hinh anh 2

Tập tính tự giác: Từ hai tuổi, bố mẹ Nhật bắt đầu để con tập làm các việc như vào bàn ngồi ăn, tự xúc ăn, làm vệ sinh cá nhân, cất đồ chơi, làm việc nhà đơn giản giúp mẹ… Bạn cũng có thể tập cho con những việc này. Ban đầu, bạn chỉ ở bên cạnh quan sát và giúp đỡ khi cần thiết. Điều này giúp bé ý thức được rằng đâu là việc mình phải làm chứ không cần nhờ người khác hay đợi bố mẹ nhắc nhở.

DẠY BÉ TỪ 3 – 6 TUỔI

cach day con cua nguoi Nhat hinh anh 3

Chuyển sang bước giáo dục mới, lúc này cách dạy con của người Nhật là dạy trẻ tự tư duy. Họ bắt đầu cải thiện phương pháp giáo dục bằng việc thay đổi các loại đồ chơi. Cất các loại đồ chơi đơn giản, chạy bằng pin và thay bằng các loại đồ chơi giúp trẻ tự suy nghĩ, tìm tòi cách chơi như các loại đồ chơi lắp ráp, khối rubik…

Khuyến khích trẻ bộc lộ năng lực bản thân: Hàng ngày, bố mẹ Nhật hỏi trẻ về buổi học ở trường thế nào và cho con tự do bày tỏ suy nghĩ của mình. Trẻ em ở Nhật luôn có giờ học ngoại khóa rất bổ ích như tham gia làm bánh, ngày hội thể thao, biểu diễn ở những sự kiện cộng đồng, tham gia lễ hội được tổ chức qua đêm, tới các buổi giao lưu, đền chùa, các buổi triển lãm… Điều này để lại những ấn tượng sâu sắc cho trẻ giúp trẻ rèn luyện sự tự tin, lòng dũng cảm ngay từ nhỏ. Nếu trường của con không tổ chức các hoạt động này, bạn cũng có thể dẫn bé đi công viên, thảo cầm viên, viện bảo tàng… để bé có cơ hội quan sát, học hỏi. Sau khi đi, bạn khuyến khích bé kể lại những gì quan sát được và hỏi cảm nhận của bé.

Bài học gắn liền với thực tế: Để dạy con biết yêu thương động vật, bố mẹ Nhật cho con tự nuôi và chăm sóc một loại động vật như gà, chuột lang, thỏ, rùa… Để giúp trẻ hiểu việc không nên lãng phí thức ăn, họ cho con trồng lúa hoặc các loại rau củ trong vườn hoặc bồn hoa. Trẻ sẽ tự gieo hạt, chăm sóc, cho tới khi thu hoạch. Qua đó, trẻ hiểu được để làm ra một củ cải, củ khoai cho bé ăn, người nông dân đã vất vả thế nào.

Dạy ngoại ngữ: Đối với người Nhật, thời điểm học ngoại ngữ lý tưởng là từ 3 đến 6 tuổi. Giai đoạn này, trẻ có khả năng ghi nhớ từ ngữ rất tốt. Càng bắt đầu học ngoại ngữ sớm khả năng ngôn ngữ của trẻ càng tốt. Vì vậy, bạn hãy để ngoại ngữ quen thuộc với bé như chính tiếng mẹ đẻ của mình.

Kể truyện cổ tích: Các bà mẹ Nhật thường dạy con bằng cách kể cho bé nghe những truyện cổ tích và thần tiên. Người Nhật tin rằng thế giới thần thoại và những điều lạ kỳ, không tưởng ấy là chất liệu và niềm cảm hứng cho sự sáng tạo vô biên của đứa trẻ sau này.

cach day con cua nguoi Nhat hinh anh 4

Thường khen thưởng con: Bố mẹ Nhật thường tích cực khen con theo công thức: Con + hành động cụ thể. Ví dụ: “Con tự xúc cơm, giỏi quá” hay “Con tự thay quần áo, giỏi thế”. Khi trẻ được khen về một hành động cụ thể nào đó, chúng sẽ cố gắng làm tốt việc đó ở những lần kế tiếp để lại được khen ngợi. Tuy nhiên, khi khen không gắn với hành động, ví dụ như “Ôi, con giỏi quá”, trẻ sẽ không biết đâu là hành động tốt và dễ trở nên tự phụ.

Hầu như không cho con xem tivi: Ngoài việc có thể gây nghiện, cho con xem tivi quá sớm và quá nhiều sẽ khiến cấu trúc của đại não bị phá vỡ. Tivi phát ra dòng âm cực sản sinh ra từ điện áp 20.000 volts, gây ảnh hưởng không tốt đến thùy não trước (phần tạo ra năng lực suy nghĩ) của con người. Các nhà khoa học Nhật Bản cảnh báo sự tích tụ này trong vài chục năm có thể gây ra bệnh máu trắng hoặc làm tăng nguy cơ của bệnh tự kỷ.

Kiên nhẫn lặp đi lặp lại: Khác với nhiều người có thể bực mình khi trẻ hỏi đi hỏi lại một điều ngô nghê, bố mẹ Nhật không ngại giải thích nhiều lần cho con ở một vấn đề. Theo họ, để đứa trẻ có thể thành thạo một việc, phải cần ít nhất ba tháng.

Luyện trí nhớ: Người Nhật có rất nhiều trò chơi trí tuệ phục vụ cho việc dạy con luyện trí nhớ vì họ quan niệm: “Người thông minh là người nhớ nhiều hơn người khác và biết cách áp dụng những điều ghi nhớ hợp lý”. Do đó, trí thông minh là thứ có thể luyện tập và có được chứ không phải thuộc hoàn toàn về khả năng bẩm sinh.

Vận động đầy đủ: Ngay từ khi bé chào đời, bố mẹ Nhật đã lưu ý giáo dục tất cả các mặt như sức khỏe, vận động, đạo lý, kỷ luật, tình cảm. Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ cho trẻ đi bộ đều đặn hàng ngày với những đoạn ngắn 10m, 20m. Trẻ lớn hơn có thể  đạp xe, bơi lội… Họ hiểu rõ: “Một trí tuệ minh mẫn trong cơ thể cường tráng”.

cach day con cua nguoi Nhat hinh anh 5

Thói quen tra cứu, tìm tòi: Bố mẹ Nhật hướng dẫn con sử dụng loại từ điển dễ tra cứu dành cho trẻ em hoặc tự sử dụng bản đồ. Khi biết địa chỉ nhưng được người khác chở đi, bạn thường cảm thấy rất khó nhớ đường. Tuy nhiên, nếu tự dùng bản đồ, vừa đi vừa hỏi đường, bạn sẽ nhớ rất lâu. Điều này cũng tương tự, họ tạo cơ hội cho trẻ tự tìm hiểu, tra cứu thông tin hơn là dạy một cách thụ động.

Cách dạy con của người Nhật không khó. Để dễ dàng, bạn đừng xem con là một em bé mà hãy nhìn nhận, nói chuyện, đối xử với con như một người lớn. Tạo điều kiện để bé học mà chơi, chơi mà học một cách tự nhiên, linh động và không gò bó, thúc ép.

Bài: Vi Cao

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua