Cách chữa nhiệt miệng hiệu quả, đơn giản mà lại rất an toàn

Những cơn đau rát mỗi lần vô tình chạm vào vết lở miệng thật phiền phức và khó chịu. Vậy làm thế nào để đánh bật chúng đi đây? Tham khảo ngay các cách chữa nhiệt miệng sau đây

Nhiệt miệng gây ra những vết loét bên trong niêm mạc môi, má, nướu răng và lưỡi khiến bạn đau đớn khi ăn uống và cả khi nói chuyện. Vết thương trong, chất kích thích, căng thẳng, thiếu hụt dinh dưỡng hay nhạy cảm với thực phẩm đều có thể là nguyên nhân của những vết loét này. Bạn đã biết cách chữa nhiệt miệng thế nào để vừa đơn giản, hiệu quả lại an toàn chưa?

Tuy nhiên, thủ phạm khiến bạn lở loét miệng không chỉ dừng lại ở đó. Các nhà khoa học Mỹ cho rằng, sự thay đổi nội tiết tố, tiền sử gia đình, hệ thống miễn dịch yếu và phụ nữ có khả năng bị nhiệt miệng nhiều hơn nam giới. Vết lở miệng thường kéo dài trong khoảng 1–2 tuần, thậm chí lâu hơn. Để rút ngắn thời gian và giảm đau đớn, đây là 6 bí quyết cho bạn:

Các cách chữa nhiệt miệng dễ làm tại nhà và an toàn với sức khỏe

1. Tránh thực phẩm có tính a-xít và đường

Đồ ăn, thức uống có tính a-xít như nước cam, dưa muối chua… có thể gây kích ứng, khiến bạn cảm thấy nóng rát và vết thương lở loét thêm. Điều này sẽ làm kéo dài quá trình tự lành bệnh. Bên cạnh đó, nếu ăn các thực phẩm nhiều đường, các vi khuẩn trong miệng sẽ biến đường thành a-xít nên đây cũng là nhóm thực phẩm không nên dùng trong thời gian miệng đang lở loét.

2. Đổi kem đánh răng, nước súc miệng và bàn chải mới

cach chua nhiet mieng hinh anh 1

Kem đánh răng và nước súc miệng có chứa sodium lauryl sulfate (SLS), một chất tạo bọt có thể khiến vết loét miệng nặng thêm ở một số người. Nếu bạn thường xuyên bị lở miệng, bạn nên xem lại thành phần trên kem đánh răng và chọn sản phẩm kem đánh răng tự nhiên, không chứa SLS. Ngoài ra, những bàn chải đánh răng quá cũ, quá cứng cũng có thể là nguyên nhân khiến vết loét lâu lành. Đổi ngay bàn chải mới mềm hơn cũng là một cách chữa nhiệt miệng gián tiếp cựa hiệu quả đấy!

3. Súc miệng bằng nước muối

cach chua nhiet mieng hinh anh 2

Cách này có thể khiến bạn đau rát tạm thời khi súc miệng, nhưng lại là giải pháp nha sĩ thường đề nghị cho các bệnh nhân bị lở miệng. Muối sát trùng và làm sạch khoang miệng, giúp vết thương nhanh lành hơn. Ngoài nước muối có bán tại các tiệm thuốc, bạn có thể pha 1 muỗng cà-phê muối vào một cốc cà-phê nước để súc miệng 2–3 lần/ngày.

4. Súc miệng bằng baking soda

Baking soda có tính kiềm, giúp trung hòa a-xít trong miệng (thủ phạm kích thích những vết lở) và làm sạch khoang miệng. Bạn có thể pha một muỗng cà-phê baking soda vào một cốc nước ấm và súc miệng nhiều lần trong ngày, mỗi lần vài phút.

5. Súc miệng với ô-xy già

Ô-xy già là một chất khử trùng giúp làm sạch, kiềm chế cơn đau trong giây lát và thúc đẩy quá trình tự lành. Đây là thành phần thường thấy trong một số loại gel chữa nhiệt miệng. Nếu không muốn dùng gel có sẵn, bạn có thể pha ô-xy già và nước theo tỷ lệ bằng nhau để súc miệng.

6. Làm dịu bằng nha đam (lô hội)

cach chua nhiet mieng hinh anh 3
Gel lô hội được ví như gel cấp cứu cho người bị lở miệng, tăng tốc độ chữa lành và giúp giảm đau rát. Cách chữa nhiệt miệng bằng nha đam là dùng tăm bông lau khô vết loét trong miệng, sau đó cắt một lá lô hội, lấy gel thoa trực tiếp lên vết đau. Bạn có thể làm nhiều lần trong ngày nếu cần thiết.

Bài: Nguyễn Thị Xoa
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua