Cá giàu dưỡng chất cần thiết cho cơ thể đang phát triển của bé. Do đó, bạn hãy giúp bé không còn sợ ăn cá bằng cách chế biến món cá mới lạ. Cho con ăn ít nhất hai bữa cá/tuần. Bé dưới một tuổi ăn 30g/bữa. Bé lớn hơn ăn khoảng 50g/bữa.
HÔ BIẾN MÙI TANH
Có rất nhiều nguyên liệu đơn giản ngay trong nhà bếp giúp khử mùi tanh của cá. Chỉ cần mất thêm một chút thời gian trước khi chế biến, món cá của bạn sẽ sạch nhớt và bé không còn nhận ra mùi của cá nữa. Sau khi đánh vảy, bỏ nội tạng, làm sạch lớp màng trong bụng cá, bạn hãy dùng một trong những “chiêu” sau đây:
Muối và giấm
Dùng một nhúm muối hạt chà xát đều ở phần bên ngoài và trong bụng cá, rửa sạch. Sau đó ngâm cá vào nước sạch có pha một chút giấm trắng khoảng vài phút, vớt cá ra, thấm khô hết nước. Với cách làm này, cá sẽ hết sạch nhớt và không còn mùi tanh khi chế biến thành món ăn cho bé.
Rượu trắng
Dùng khoảng hai thìa súp rượu trắng với hai thìa súp nước, ướp vào cá đã làm sạch, để khoảng hai phút. Sau đó, dùng giấy bản lau khô, cá sẽ bớt mùi tanh.
Quả chanh tươi
Vắt lấy nước cốt, xoa đều lên mình cá đã làm sạch, dùng khăn sạch lau khô cá và chế biến. Lúc này, món cá của bạn sẽ thoảng mùi thơm của chanh tươi.
Nước nóng
Đây là một cách khử tanh hiệu quả khi sơ chế các loại cá da trơn như basa, cá trê… Dùng nước đun hơi nóng (30–40°C) dội lên mình cá, lấy dao cạo nhẹ dọc mình cá để loại bỏ chất nhầy, làm sạch cá.
CHỌN LOẠI CÁ AN TOÀN
Có những loại cá sống ở nước biển sâu như cá ngừ, cá thu to… chứa hàm lượng thủy ngân cao. Khi ăn có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bộ não, hệ thần kinh. Vì thế, bạn cần chọn các loại cá an toàn và bổ dưỡng là:
Cá trê sông: chứa nhiều protein, vitamin B, can-xi, sắt… Cá trê tính mát, được dùng để cải thiện và phòng ngừa nguy cơ biếng ăn ở bé.
Cá quả (cá lóc): Thịt cá nhiều nạc, có vị ngọt, chứa lượng lớn protein, chất béo, can-xi, phốt-pho, sắt. Bạn có thể cho bé làm quen với cá quả ngay từ thời kỳ ăn giặm.
Cá hồi: Thịt cá mềm, mịn, dễ chế biến. Ăn cá hồi, bé được cung cấp nhiều a-xít béo không bão hòa, vitamin A, B, D, E, can-xi, sắt, kẽm, ma-giê, phốt-pho để phát triển cơ thể.
Cá basa: Loại cá da trơn có thịt mềm, nhiều mỡ, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và omega 3 giúp bé phát triển trí não. Ngoài ra, bạn có thể cho bé ăn cá chép, cá trôi, cá trắm, cá chim, cá kèo…
CÁC MÓN GIÚP BÉ HẾT SỢ ĂN CÁ
Những món cá nấu theo cách truyền thống như luộc, hấp, rán, kho, nấu canh… thường không hấp dẫn bé, làm bé không thích hay sợ ăn cá. Bạn hãy thử chế biến cá thành các món lạ để bé hào hứng với thực phẩm bổ dưỡng này.
Cá cuộn rau: 100g phi-lê cá quả hoặc cá basa, ướp một chút gia vị, hấp chín. Rau xà-lách rửa sạch, 1/2 củ cà-rốt bào sợi. Trải bánh tráng ra đĩa, cho xà-lách, cá, cà-rốt vào cuốn chặt tay. Cắt thành miếng nhỏ, cho bé chấm cùng nước tương hoặc nước mắm pha. Bạn cũng có thể cho cá vào cải xanh, cuộn lại rồi hấp chín.
Nem cá: 100g phi-lê cá rô phi hoặc cá basa, cắt miếng dài khoảng 3cm, ướp với một chút gia vị, thì là thái nhỏ; mộc nhĩ, nấm hương thái nhỏ vào trộn đều. Trải bánh tráng ra đĩa, cho nhân vào cuốn chặt, nhúng qua trứng, lăn qua bột rán giòn. Rán giòn. Cho bé chấm cùng tương cà.
Ruốc cá: Bạn có thể sử dụng bất kỳ loại cá nào. Đun sôi nước có pha một thìa rượu trắng và thả vào đó vài miếng gừng đập giập. Cho cá vào luộc hoặc hấp chín. Để nguội, gỡ hết xương. Cho cá vào cối giã nhuyễn rồi cho lên chảo chống dính, nêm một chút nước mắm ngon, đường và đảo đều đến khi cá khô hết nước, tơi bông.
Bảo quản ruốc cá trong hũ kín, để bé ăn cùng. Khi chế biến món ăn cho bé, nên chọn con cá còn tươi sống. Nếu mua cá đã cắt khúc, cần chọn miếng cá có độ đàn hồi, màu tươi, không có mùi hôi. Gỡ sạch xương dăm của cá trước khi cho bé ăn.
Mục Mẹ và con – Dinh dưỡng / Tiếp Thị Gia Đình