Nếu nhà bạn có các bé dưới 5 tuổi, bệnh chân tay miệng có thể ghé thăm nhà bạn bất cứ lúc nào. Bạn hãy nghiên cứu trước cách chăm sóc trẻ bị chân tay miệng để biết cách xử lý nếu bé không may mắc chứng bệnh này.
Bệnh chân tay miệng cho một số loại vi-rút gây ra. Hiện nay, chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị đối với bệnh này. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lo lắng vì nếu được chăm sóc kỹ, bé bị mắc chứng tay miệng có thể khỏi sau một tuần. Khi bị bệnh chân tay miệng, bé sẽ có các biểu hiện như: sốt nhẹ hoặc sốt cao, từ 39 – 40ºC. Miệng bé bị sưng tấy, đau họng, biếng ăn, quấy khóc nhiều, run tay chân. Vùng miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông xuất hiện các bọng nước, có đường kính từ 2 – 10mm. Các bọng nước này có màu đỏ, nổi lên hoặc nằm ẩn dưới da. Khi các bóng nước này bị vỡ sẽ gây cho bé sự khó chịu.
Nếu phát hiện bé bị bệnh sớm và các triệu chứng bệnh nhẹ (ở cấp độ 1), bạn có thể để bé ở nhà và áp dụng cách chăm sóc trẻ bị chân tay miệng cho bé.
Chăm sóc sức khỏe
√ Nếu bé bị sốt từ 38 độ trở lên, bạn cho bé uống thuốc hạ sốt paracetamol theo cân nặng của bé. Tại các hiệu thuốc thường có bán gói hạ sốt, với liều dùng: 10 – 15mg paracetamol/1kg cân nặng. Thuốc hạ sốt nên uống cách nhau ít nhất 4 tiếng. Nếu bé không chịu uống thuốc, có thể dùng viêm giảm sốt đặt ở hậu môn cho bé.
√ Thường xuyên vệ sinh răng miệng, chân tay bé bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng.
√ Không nên bắt bé kiêng cữ quá kỹ như: kiêng tắm gội, kiêng ra gió, mặc đồ quá kín… làm cho bé khó chịu, ủ bệnh lâu khỏi. Bệnh chân tay miệng là bệnh dễ lây lan, nên bé cần phải nghỉ học, hạn chế ra nơi công cộng để giảm nguy cơ mắc bệnh cho những người xung quanh.
√ Tuyệt đối không nặn hoặc cho bé nặn, gãi, châm vỡ các bóng nước, để bệnh lan ra các vùng da khác, gây sẹo và biến chứng cho bé.
√ Bổ sung thêm các loại vitamin như vitamin C, vitamin PP, vitamin A và kẽm theo hướng dẫn của bác sĩ để cơ thể bé tăng sức đề kháng, hỗ trợ bảo vệ da, giúp niêm mạc mau lành.
√ Cho bé đến bệnh viện ngay nếu có các dấu hiệu nặng như: sốt cao trên 39ºC, co giật, quấy khóc nhiều.
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng là bước quan trọng nhất trong cách chăm sóc trẻ bị bệnh chân tay miệng, để bé có sức khỏe tốt chống lại bệnh tật. Các bé bị mắc bệnh này cần được chăm sóc cẩn thận.
√ Ăn đồ mềm, nhuyễn: khi bị bệnh, miệng bé bị sưng, họng đau, các vết loét trong miệng, lưỡi và vòm họng làm bé khó chịu, không muốn ăn uống, nên cần phải chuẩn bị cho bé các đồ ăn mềm, lỏng, dễ nuốt như súp, bột, cháo nấu nhuyễn, sữa, sinh tố hoa quả… Bé không phải kiêng bất kỳ một loại thực phẩm nào, tuy nhiên, mỗi bữa bé có thể ăn khẩu phần ít hơn bình thường. Bạn không nên ép bé ăn, sẽ làm bé sợ. Nên chia nhỏ thức ăn thành nhiều bữa trong ngày.
√ Hạn chế ăn đồ ăn còn ấm nóng: Thức ăn nóng có thể làm các vết loét thêm sâu, nên tuyệt đối không cho bé ăn đồ nóng. Cho bé ăn đồ nguội, hoặc đồ mát lạnh để bé dễ chịu khi nuốt thức ăn như: sữa chua, caramen, phô-mai, thạch…
√ Uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước ép trái cây giàu vitamin như cam, táo, kiwi, nước dừa tươi… để bổ sung năng lượng và dưỡng chất cho bé.
√ Khi cho bé ăn, nên dùng thìa nhỏ, miệng tròn để dễ đưa sâu vào khoang miệng bé, không chạm vào làm vỡ các mụn nước. Tránh dùng thìa to, sắc cạnh hay ống hút nhọn gây đau cho bé khi ăn.
√ Cho bé súc miệng bằng nước muối loãng sau khi ăn để giữ vệ sinh.
Giữ vệ sinh cho bé
√ Giặt, khử trùng quần áo, vật dụng cá nhân, đồ chơi của bé bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc luộc trong nồi nước sôi để diệt khuẩn.
√ Cho bé sinh hoạt, vui chơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, lau thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn để tránh bị nhiễm trùng.
√ Sau khi khỏi bệnh, cho bé rửa tay hàng ngày bằng xà phòng, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chơi đồ chơi… để ngăn ngừa bệnh chân tay miệng tái phát.
Bài: Lệ Thủy
Tiếp Thị Gia Đình