Cách bảo quản thực phẩm an toàn trong mùa giãn cách xã hội

Không phải ai cũng biết cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách. Hy vọng 1 vài mẹo vặt sau sẽ giúp những ngày giãn cách xã hội của bạn không còn lo âu về việc thực phẩm có bị hư hại hay nhiễm độc nếu bảo quản quá lâu hay không?

Ảnh: Shutterstock

Tích trữ thực phẩm trong thời gian dài để hạn chế ra đường và tiếp xúc nơi đông người là giải pháp được rất nhiều người dân hưởng ứng. Nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội. Thế nhưng thực phẩm mà không được bảo quản đúng cách vẫn có thể phát sinh nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe. Để bảo đảm an toàn trong mùa dịch và hạn chế ra đường theo đúng quy định, bạn hãy thực hiện theo các mẹo sau nhé!

Bảo quản rau củ

Nhiều người thường có thói quen rửa rau củ trước khi cho vào tủ lạnh. Tuy nhiên, cách làm này sẽ chỉ khiến chúng nhanh úng và mau dập nát hơn. Do đó, bạn hãy nhớ chỉ rửa trước khi quyết định nấu. Các loại hành tây, gừng, tỏi, chanh, ớt, cà chua và đậu cove có thể cho vào hộp nhựa và phân ngăn. Còn các loại rau lá mềm như bó xôi, mồng tơi, rau muống hay cải ngọt,… có thể bảo quản trong bọc kín nhưng chỉ nên dùng từ 2 – 3 ngày đổ lại.

Không chỉ có rau lá mềm mới nhanh hư, nấm cũng rất khó bảo quản. Bởi lượng nước bên trong của chúng khá nhiều. Vì vậy, khi mua về nhà bạn nên dùng giấy báo hoặc giấy nến quấn chúng lại. Sau đó, quấn thêm 1 lớp màng bọc thực phẩm là có thể bảo quản được khoảng nửa tháng. Mặc dù việc quấn rất mất thời gian nhưng nếu không làm sẽ chỉ để được trong 1 tuần nên bạn hãy nhớ kỹ.

Bảo quản hành, ngò

Với hành lá và ngò, bạn hãy rửa thật sạch. Sau đó, để cho chúng thật ráo nước hoặc dùng khăn thấm khô rồi mới tiến hành cắt. Ở bước này, bạn có thể cắt khúc hoặc cắt nhỏ tùy ý. Nếu cắt khúc, hãy cho vào túi zip rồi bỏ vào ngăn đá. Hành, ngò băm nhỏ thì nên trộn cùng chút dầu ô-liu rồi cho vào hộp nhỏ có nắp hoặc khay đá viên. Làm cách này, bạn có thể trữ được hơn 1 tháng và rất tiện lợi trong việc nấu nướng. Bởi khi dùng, bạn chỉ việc cho 1 viên hành ngò vào trước khi tắt bếp là xong.

Thực phẩm sống

Mỗi loại thịt sẽ có thời hạn bảo quản và mức nhiệt độ bảo quản khác nhau. Nếu nhiệt độ tủ lạnh quá cao thịt sẽ dễ hỏng do môi trường thích hợp cho vi khuẩn sinh sôi. Ngược lại nếu mức nhiệt quá thấp sẽ khiến thịt bị đông đá, mất nước và biến chất. Dưới đây là các mốc quan trọng mà bạn cần lưu ý khi tích trữ thịt trong nhiều ngày.

Heo/bò

Để bảo quản thịt heo, bò và nội tạng… bạn nên làm sạch và bọc kín; hoặc dùng dụng cụ ép chân không trước khi cho chúng vào tủ lạnh. Tiếp theo, bạn cần nắm rõ cách phân loại thịt. Thông thường, thịt khi chưa nấu chín (chẳng hạn như bít tết hoặc sườn) có thể được giữ đông an toàn từ 4 – 12 tháng. Trong khi đó, thịt đã qua chế biến chỉ có thể bảo quản được 2-3 tháng. Mức nhiệt độ để bảo quản nhóm thực phẩm này nên từ -18°C trở xuống.

Còn trong ngăn mát, thịt đã qua chế biến có thể trữ được từ 3 – 4 ngày với điều kiện lý tưởng là từ 4 – 5°C.

Cá thì khi mua về, bạn hãy rửa thật sạch máu. Có thể xát muối và chút rượu gừng để cá không còn mùi tanh. Sau đó cắt khúc và chia vào từng túi riêng biệt. Bằng cách này, bạn sẽ không mất thời gian rã đông cả 1 con cá. Đồng thời, các miếng cá khác cũng không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ phòng.

Với cá tươi, thời gian bảo quản khi để ngăn mát là từ 2 – 3 ngày, khi trữ đông là 6 tháng với mức nhiệt độ -18°C. Còn cá đã chế biến thì thời gian bảo quản khi làm lạnh là 7 ngày, khi trữ đông là 6 tháng.

Thịt gà để nguyên con thì thời gian bảo quản sẽ lâu hơn cắt miếng. Trước khi tiến hành trữ đông, bạn nên bọc kỹ bằng màng bọc thực phẩm hoặc dùng máy hút chân không. Sau đó, để trong ngăn đá với nhiệt độ -18°C. Nhưng nếu bảo quản ở ngăn mát, bạn chỉ nên dùng chúng trong thời gian không quá 2 ngày.

Trứng

Trứng không nên để ở cánh tủ vì mở ra mở vào nhiệt độ không ổn định làm trứng dễ hỏng. Ngoài ra, bạn cũng không nên để trứng “trơ trọi” mà nên bỏ vào hộp kín trước khi cho vào ngăn mát để tránh vi khuẩn xâp nhập.

Thời gian lưu trữ trứng trong tủ lạnh là khoảng 3 tuần. Sau khi đã lấy chúng ra khỏi tủ lạnh, bạn hãy dùng nhanh sau 2 tiếng vì nếu để lâu trứng sẽ hỏng.

Bạn có dùng tủ lạnh đúng cách?

Không chỉ bọc kỹ thực phẩm, bạn cũng cần ghi nhớ các ngăn ở bên trong của tủ lạnh để đặt chúng đúng nơi, tránh trường hợp thực phẩm dễ bị hỏng do các tác nhân như nhiệt độ và không khí. Theo đó:

Cánh tủ lạnh: chỉ bảo quản các loại thực phẩm khô, gia vị hoặc nước sốt do đây là nơi ít lạnh nhất.

Kệ trên cùng: Để thực phẩm đã chế biến, thực phẩm thừa hoặc ăn liền ngắn hạn.

Kệ dưới: Để các loại thịt tươi sống hoặc rã đông, trứng, sữa, gia vị ngắn hạn… Nhưng hãy phân ra riêng để tránh lây nhiễm chéo.

Hộc tủ: Đựng rau củ, trái cây…

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua