Các nhà khoa học cũng khuyến cáo người sử dụng rửa sạch các vật dụng nhà bếp như dao, dụng cụ bóc vỏ, nạo trước khi dùng.
Không chỉ cảnh báo người tiêu dùng về nguy cơ lan truyền vi khuẩn, các nhà nghiên cứu còn phát hiện thấy rằng, các loại trái cây khác nhau có mức độ nhiễm trùng khác nhau. Chẳng hạn như cà chua có khả năng nhiễm khuẩn cao hơn dâu tây.
Giáo sư Marilyn Erickson thuộc khoa Khoa học thực phẩm và công nghệ (Đại học Georgia) cho biết: “Chúng tôi chưa tìm ra lý do tại sao lại có sự khác biệt về khả năng nhiễm khuẩn giữa các nhóm trái cây, nhưng chúng tôi chắc chắn một điều rằng, một khi nguồn bệnh đã len lỏi vào thức ăn, chúng sẽ khó có thể loại bỏ”.
Trước đó, một nghiên cứu năm 2014 của các nhà nghiên cứu Thụy Sỹ kết luận: 3,5% các loại thớt được lấy mẫu khảo sát ngẫu nhiên trong nhà bếp có chứa khuẩn mang E.Coli và 6,5% những người được xét nghiệm tại các bệnh viện bị nhiễm các loại vi khuẩn kháng thuốc. Không giống như nhiều loại vi khuẩn gây bệnh khác, E.coli có thể gây nhiễm trùng ngay cả khi bạn chỉ nhiễm một lượng nhỏ.
Thịt bò, sữa chưa tiệt trùng và sản phẩm tươi sống là những loại thực phẩm phổ biến gây tiêu chảy, đau bụng dữ dội, nôn mửa và sốt. Một số loại rau như rau chân vịt và rau diếp cũng rất dễ bị nhiễm bẩn.
Salmonella là một loại vi khuẩn phổ biến khác có thể được truyền vào cơ thể qua vật dụng nhà bếp. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, hơn một triệu người bị nhiễm Salmonella mỗi năm tại Mỹ, 380 người trong số đó đã tử vong. Loại vi khuẩn kháng đa thuốc này gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, sốt và làm dạ dày quặn thắt trong vòng 12 đến 72 giờ khi bệnh nhân bị nhiễm, thậm chí kéo dài lên đến một tuần.
Sở Dịch vụ Sức khỏe & Con người (Mỹ) cảnh báo vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại ở nhiều nơi trong khắp không gian nhà bếp, bao gồm cả chính đôi bàn tay của bạn. Các chuyên gia cảnh báo, nên rửa tay ít nhất 20 giây với nước ấm hoặc nước lạnh và xà phòng có thể ngăn chặn sự lây lan.
Ngoài ra, về khâu chế biến thực phẩm, khi gọt vỏ trái cây và rau quả, điều quan trọng là phải rửa chúng trước tiên vì vi khuẩn có thể lây lan từ vỏ đến phần phía bên trong của sản phẩm. Với dưa hấu hoặc dưa chuột, nên chà sạch vỏ trước khi cắt ra dùng, để phần vỏ nhiễm khuẩn không xâm nhập được vào bên trong ruột dưa.
Những phát hiện gần đây nhất đã khuyên người tiêu dùng cần làm sạch vật dụng nhà bếp và các bề mặt của sản phẩm như là một biện pháp phòng ngừa cần thiết trước nguy cơ các tác nhân gây nhiễm khuẩn có thể tấn công và lây lan.
Tiếp Thị Gia Đình