Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc, mẹ ru con yêu thương con tha thiết… Dù phải mang nặng đẻ đau, nhưng khi đã chào đời, bé con luôn là niềm hạnh phúc lớn nhất của mọi bà mẹ. Dẫu yêu con là vậy, nhưng rất nhiều mẹ sau khi sinh đều rơi vào trạng thái tâm lý căng thẳng hoặc mất tinh thần. Đây có thể là triệu chứng trầm cảm sau sinh. Hãy điểm qua các biểu hiện sau đây để xem bạn có mắc triệu chứng này không nhé!
Trắc nghiệm
1. Ban ngày tâm trạng rất kém, thường uể oải ủ dột nhưng đêm đến hưng phấn lạ thường, giống như tâm trạng bị đảo lộn.
2. Mất đi hứng thú với mọi sự vật, sự việc. Cảm thấy cuộc sống vô vị nhàm chán, sống như đang chịu cảnh tù tội.
3. Chán ăn hoặc thèm ăn bất thường, thể trọng từ đó tăng giảm đột ngột, mất cân bằng ở mức độ nghiêm trọng.
4. Ngủ không ngon hoặc mất ngủ nặng, ban ngày vật vờ vì thèm ngủ.
5. Tinh thần luôn lo lắng, bất an hoặc thẫn thờ, dễ nổi nóng, không muốn nói chuyện hay ăn uống gì.
6. Cơ thể mệt mỏi và suy nhược nhiều.
7. Tinh thần thiếu tập trung, ngôn ngữ biểu đạt rối rắm, thiếu khả năng phán đoán và tính logic kém.
8. Trở nên tự ti rõ rệt, thường tự trách bản thân và thiếu lòng tin trong mọi chuyện.
9. Thường xuyên có ý niệm tự sát.
Kết quả
Nếu bạn có 5 câu trả lời “đúng” và các tình trạng kéo dài liên tục trong 2 tuần trở lên thì bạn đang bị triệu chứng trầm cảm sau sinh, thậm chí ở mức độ nặng. Sau khi sinh em bé, phụ nữ thường rơi vào triệu chứng này do các nhân tố tâm sinh lý gây ra, biểu hiện thường thấy là căng thẳng, hoài nghi, khép kín, sợ hãi, tuyệt vọng, nghiêm trọng hơn có thể muốn bỏ nhà đi hoặc có hành vi làm tổn thương bản thân lẫn em bé. Nghiên cứu cho thấy, 50 – 75% số phụ nữ đều trải qua chứng trầm cảm hậu sản này, trong đó 10 – 15% số người ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng.
Nếu chỉ có một câu trả lời “đúng” nhưng tình trạng này đều xuất hiện mỗi ngày; hoặc có dưới 3 câu trả lời “đúng” nhưng bạn lại cảm thấy tinh thần sa sút thì bạn cũng nên cảnh giác. Không phải ít biểu hiện là không có nguy cơ bị trầm cảm hậu sản.
Tốt nhất là hãy theo dõi trạng thái tâm sinh lý trong một thời gian để có biện pháp cải thiện tích cực. Nếu vẫn không đạt hiệu quả, hãy kịp thời gặp bác sĩ chuyên môn để được tư vấn và giúp đỡ, tránh để tình trạng nặng thêm.
Bài: Lê Phương
Mục Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình