Tư thế ngồi vắt chéo chân gây tác động xấu đến cơ thể con người − Ảnh minh họa
Dưới đây là những điều bạn cần biết về tư thế ngồi vắt chéo chân:
CÓ THỂ DẪN ĐẾN ĐAU LƯNG VÀ CỔ
Chuyên gia vật lý trị liệu Vivian Eisenstadt cho biết, ngồi vắt chéo chân sẽ khiến bạn đau lưng và đau cổ. Tư thế này khiến hông bạn xoắn lại và khiến cho khung chậu mất thằng bằng, từ đó gây áp lực lên cột sống và dẫn đến các cơn đau. Bạn ngồi vắt chéo chân càng lâu, áp lực gây lên cột sống càng lớn và nguy cơ dẫn đến đau lưng, đau cổ và thoát vị đĩa đệm càng cao hơn.
Bác sỹ Vivian đưa ra lời khuyên, khi ngồi bạn nên đặt cả hai chân lên sàn nhà để cân bằng trọng lượng cơ thể và đầu gối tạo một góc 90 độ với mặt sàn.
LIÊN QUAN ĐẾN TĨNH MẠCH MẠNG NHỆN
Nhiều chuyên gia nhận định hiện tượng tĩnh mạch mạng nhện bị gây ra bởi các yếu tố như gen di truyền, khi mang thai, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và khi đứng hay ngồi quá lâu. Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng ngồi vắt véo chân cũng có thể là một nguyên nhân.
Tiến sỹ Hooman Madyoon, chuyên gia tĩnh mạch tại trung tâm y tế Cedars Sinai giải thích: “Ngồi vắt chân làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch chịu trách nhiệm bơm máu về tim. Áp lực này cản trở lưu thông máu và có thể làm yếu đi hoặc tổn thương các tĩnh mạch ở chân, khiến máu bị rò rỉ, gây nên hiện tượng tĩnh mạch mạng nhện cùng các vấn đề khác”.
LÀM TĂNG HUYẾT ÁP
Ngồi vắt chéo chân có thể tạm thời làm tăng huyết áp của bạn. Bác sỹ Madyoon giải thích hiện tượng này như sau: “Dòng máu khi từ chân di chuyển lên phía trên để trở về tim sẽ cần phải chống lại lực hấp dẫn. Đây đã là một nhiệm vụ khá khó khăn cho cơ thể bạn, nhưng khi bạn ngồi vắt chân, nó sẽ làm cản trở sự lưu thông máu. Chính vì thế, cơ thể bạn phải tăng huyết áp để đẩy máu quay trở lại tim”.
Bạn sẽ không cảm thấy có bất cứ triệu chứng nào khi huyết áp tăng, nhưng hiện tượng tăng huyết áp kéo dài lặp lại có thể gây ra những vấn đề sức khỏe về lâu dài. Bởi thế, nếu bạn định ngồi trong một thời gian dài, hãy tránh tư thế ngồi vắt chéo chân nhé.
LÀM TỔN THƯƠNG CÁC DÂY THẦN KINH Ở CHÂN
Bác sỹ Richard Graves, một chuyên gia điều trị các bệnh ở chi dưới cho biết: “Việc gác chân này lên chân kia tại vị trí đầu gối sẽ gây áp lực lên dây thần kinh mác. Đây là các dây thần kinh lớn nằm ở bên dưới đầu gối, chạy dọc theo mặt ngoài của mỗi chân và đây chính là nguyên nhân của các rối loại chi dưới khi nó bị tổn thương. Áp lực khi bắt chéo chân có thể gây tê liệt tạm thời cơ bắp ở cẳng chân và bàn chân, khiến đầu gối không thể xoay được nữa và tạo cảm giác tê liệt“.
Bác sỹ Graves cho rằng, với những người có thói quen ngồi vắt chéo chân, việc thả lỏng chân ra từ hai đến bốn phút có thể làm giảm thiểu nguy cơ này. Tuy nhiên, ông khuyến cáo rằng nên từ bỏ thói quen này một cách hoàn toàn để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của bạn.
Tiếp Thị Gia Đình