Người mẹ trong ca sinh năm, với niềm tin và tình yêu thương bao la đã quyết định giữ lại những sinh linh bé bỏng trong cơ thể, cho dù phải “đánh cược” với chính sinh mạng của mình.
Nhờ ca sinh năm kỳ diệu này, năm thiên thần bé bỏng đã cất tiếng khóc chào đời, gồm ba bé trai và hai bé gái. Bố mẹ gọi các con lần lượt theo thứ tự ra đời là Cả, Hai, Ba, Tư và Út.
Quyết tâm giữ đứa con dù nguy hiểm đến tính mạng
Vào 19 giờ tối ngày 17−3−2013, sản phụ Lê Huỳnh Anh Thư, sinh năm 1985, lâm bồn bằng phương pháp sinh mổ. Năm bé (ba trai, hai gái) với cân nặng 2kg, 1,3kg, 1,8, 1,5 và 1,3kg đã ra đời. Điều kỳ lạ là, sức khỏe của cả năm bé đều tạm ổn, hai bé nhẹ cân nhất phải nằm trong lồng kính hơn một tuần.
Chị Lê Huỳnh Anh Thư và anh Nguyễn Thanh Hiếu cưới nhau hai năm vẫn chưa có con. Vì thế, anh chị đến phòng khám để được tư vấn chữa trị. Bác sỹ cho biết chị Thư bị một hội chứng gọi là buồng trứng đa nang, còn kiểm tra tinh trùng của chồng chị Thư thì thấy khá ổn định.
Thông thường, với hội chứng buồng trứng đa nang, phương pháp tốt nhất là thụ tinh ống nghiệm. Trứng trong ống nghiệm lớn được hút ra ngoài, kích thành phôi và chuyển phôi theo nhu cầu của bố mẹ. Tuy nhiên, vì kinh tế gia đình khó khăn, chị Thư đã dùng phương pháp kích trứng giao hợp tự nhiên, mặc dù đã được bác sỹ tư vấn về nguy cơ rủi ro đa thai có thể xảy ra. Sau những ngày tháng đấu tranh tư tưởng, người mẹ đã quyết định chấp nhận khó khăn để giữ lại tất cả những đứa con đang mang trong bụng.
Chị Thư chuyển dạ và được đưa vào bệnh viện Từ Dũ vào tuần thứ 34 của thai kỳ. Dù đã áp dụng các biện pháp chăm sóc giữ thai đặc biệt để tránh sinh non và thai chết lưu nhưng đây vẫn là một ca phẫu thuật nguy hiểm cho cả mẹ lẫn bé. Khi phẫu thuật, các bác sỹ rất bất ngờ khi có tới năm em bé chào đời chứ không phải bốn như những gì siêu âm được.
Niềm hạnh phúc xen lẫn bận rộn của gia đình có năm đứa trẻ
Ông nội các bé, vốn là người Hoa cũng đặt sẵn tên các cháu là Huynh, Đệ (cho hai bé trai), Phượng, Mũi (cho hai bé gái). Một bé trai bất ngờ xuất hiện thêm, gia đình coi như lộc trời cho, do đó bé trai thứ ba mang tên Lộc. Năm đứa trẻ mỗi đứa mỗi vẻ, đứa mắt tròn to, đứa mắt một mí, đứa cao, đứa thấp, đứa giống bố, đứa giống mẹ, đứa giống bà nội.
Ở tuổi lên ba, các bé đã biết giời thiệu tên mình một cách đầy hào hứng: Cả Huynh, Hai Đệ, Ba Lộc, Tư Phượng, Út Mũi. Các con cũng đang trong tuổi tập nói nên bi bô suốt. Căn nhà nhỏ trong một căn hẻm tại Q. 5, TP. HCM luôn tràn ngập tiếng nói, tiếng hát, tiếng hò hét và cả tiếng khóc vì bọn trẻ chòng ghẹo nhau.
Cho dù hay tranh chấp, giành đồ chơi, giành mẹ, giành bà nhưng mấy đứa trẻ luôn luôn quấn quýt bên nhau, đến nỗi mà chỉ cần không nhìn thấy một đứa là bốn đứa còn lại thắc mắc. Khi chị Thư gửi hai con sang nhà ngoại nuôi đỡ, mấy đứa trẻ nhớ nhau, khóc lóc gọi nhau suốt ngày làm bố mẹ phải bỏ ý định tách chúng ra.
Nói về chuyện sinh hoạt hàng ngày của các bé, khoảng 6 giờ, 6 giờ 30 phút sáng, lần lượt từng bé được mẹ và bà nội đánh thức dậy, tắm rửa, lau tai, lau mũi. Mỗi sáng chị Thư phải ba lần đưa rước con đến trường, hai bé đi lượt đầu, hai bé đi lượt thứ hai, và một bé đi lượt cuối cùng. Hôm nào anh Hiếu không chạy taxi thì hai vợ chồng cùng đưa con đi. Năm bé học ở hai trường khác nhau. Ba bé khỏe hơn (Cả, Ba, Tư) đi học từ khi mới mười tám tháng tuổi, học cùng một trường. Hai bé yếu hơn, là Hai và Út qua hai tuổi mới đi học, thì học một trường khác.
Lên ba tuổi, các bé đã phân biệt được khi bà hay mẹ nhầm tay đút thìa của đứa này sang miệng đứa khác. Cũng như thế, chúng sẽ giãy nảy lên khi bà hoặc mẹ lấy bộ quần áo của đứa này cho đứa kia mặc. Mấy anh chị em rất hiếm khi mặc quần áo giống nhau. Bọn trẻ đều biết khoanh tay chào bà khi đi học về, khi có khách đến nhà, thuộc lòng một số bài hát.
Và những lo lắng của vợ chồng chị Thư, anh Hiếu
Chị Thư tâm sự về những ngày đầu khi chăm bẵm năm đứa trẻ: “Mặc dù bà ngoại, bà nội, và ba được “huy động” để cùng tôi chăm sóc, thế nhưng đó là những chuỗi ngày thực sự khủng khiếp. Các thành viên trong nhà luân phiên nhau hai tiếng một lần thức dậy cho năm đứa bú, thay tã,.. nhưng hết đứa này thì đứa kia thay nhau khóc, mỗi đêm tôi chỉ nằm mơ màng chứ không thể gọi là ngủ. Sợ nhất là mỗi khi có một đứa bệnh là cả bốn đứa còn lại bệnh theo. Có giai đoạn tôi gần như rơi vào khủng hoảng, thế nhưng dần rồi cũng quen, nhìn chúng lớn lên từng ngày vợ chồng tôi thấy rất hạnh phúc, tuy cực chút nhưng vui”.
Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của chị Thư lúc này là tổng chi phí cho các bé hàng tháng. Mỗi tháng chi phí lo cho năm đứa trẻ cũng hết gần 20 triệu đồng, chưa kể những lúc chúng bị bệnh, chúng đi học..Sau khi sinh chị Thư phải nghỉ việc. Bây giờ các con đi học, chị bắt đầu công việc bán hàng online để có thời gian linh động. Anh Hiếu, chồng chị thường xin làm tăng ca để có thêm thu nhập nhưng cũng chẳng thấm tháp gì. Công ty Mai Linh, nơi anh Hiếu làm việc mỗi tháng cũng hỗ trợ năm triệu cho đến khi các bé 18 tuổi.
Tiếp Thị Gia Đình