Các cách dạy con thông minh cha mẹ cần biết

Để trẻ luôn được hoan nghênh, có một số quan niệm phổ biến bố mẹ cần nhìn nhận lại để có được cách dạy con thông minh mà không hề vất vả

CHO TRẺ HỌC CÁCH NÓI CHUYỆN VỚI NGƯỜI LẠ

Nhiều phụ huynh sợ trẻ ra ngoài một mình sẽ gặp nguy hiểm hoặc gây họa, chẳng hạn như sợ trẻ bị dọa nạt, gặp kẻ xấu, sợ trẻ bị nhiễm bệnh từ người khác…Vấn đề bạn lo ngại không sai, nhưng không có nghĩa là để trẻ suốt ngày ru rú ở nhà mới là an toàn và tốt nhất.

Thực tế, cách dạy con thông minh là bố mẹ nên sắp xếp các hoạt động ngoài trời, giúp trẻ thường xuyên được gặp gỡ, giao lưu với người khác. Trước hết, bạn có thể “buông tay” cho trẻ thỏa sức vui chơi cùng bạn bè đồng trang lứa, giúp trẻ bước đầu học cách tiếp cận, bắt chuyện và hòa nhập với các bạn mới quen, như thế sẽ giúp trẻ nâng cao năng lực giao tiếp xã hội.

Ngoài ra, dạy trẻ chào hỏi hàng xóm xung quanh, cả người quen hay lạ gặp trên đường khi đi cùng bố mẹ, dạy trẻ biết lễ phép và giúp đỡ người khó khăn trong tầm quan sát của người lớn.

HƯỚNG DẪN TRẺ BIẾT MUA HÀNG

Trẻ từ 3 đến 7 tuổi đã hoàn toàn có thể tự mua đồ dưới sự dẫn dắt của bố mẹ. Ví dụ, bạn không cần mua giúp, hãy hướng dẫn trẻ để trẻ tự mình mua các thức ăn, thức uống hay đồ chơi mà trẻ thích.

Lúc trẻ giao lưu với người bán hàng cũng là lúc trẻ học được kỹ năng giao tiếp. Nếu lúc ban đầu trẻ gặp khó khăn, bạn hãy ở bên cạnh khích lệ, dạy trẻ những câu mua hàng, hỏi thăm lễ phép với người bán và quan trọng là dạy trẻ học nói “cám ơn”.

CHO TRẺ SỰ TỰ DO KHOA HỌC

cach day con thong minh hinh anh 1

Nếu tinh tế quan sát, bạn sẽ phát hiện có những đứa trẻ thích chơi với bạn nhỏ tuổi hơn mình và có những trẻ lại thích bạn lớn tuổi hơn. Nhiều người lo ngại khi chơi với trẻ lớn hơn, con mình có thể bị bắt nạt nên rất hạn chế cho trẻ tiếp xúc. Tuy nhiên, với những người bạn lớn này, trong quá trình giao lưu, vui chơi sẽ giúp con bạn học được cách sinh hoạt và cư xử của bậc làm anh, làm chị, trẻ quan sát được làm thế nào để chăm sóc cho người nhỏ hơn từ những người bạn lớn.

Vì vậy, nếu bạn nắm rõ tính cách và gia đình của bạn bè của con thì nên tôn trọng các mối quan hệ này của trẻ, cho trẻ sự tự do thích hợp để chọn bạn mà chơi, đây mới thật sự là cách dạy con thông minh.

DẠY TRẺ DÙNG NGÔN TỪ LỄ PHÉP

Bồi dưỡng thái quen và hành vi nhã nhặn, lễ phép từ nhỏ giúp trẻ hình thành tính khiêm nhường và dễ dàng được xã hội chấp nhận, hoan nghênh. Trước mặt người quen hay lạ, bạn cũng nên quan sát thái độ cư xử của trẻ và kịp thời điều chỉnh nếu trẻ tỏ ra thiếu tôn trọng người đối diện. Khi trẻ làm tốt vai trò một đứa bé ngoan sẽ nhận lại được thiện cảm và lời khen, giúp trẻ tăng thêm lòng tự tin và vui vẻ, chủ động hơn trong giao tiếp.

SỬA CHỮA NHỮNG HÀNH VI CHƯA PHÙ HỢP CỦA TRẺ TRONG GIAO TIẾP

Trong quá trình tương tác với người lớn, chắc chắn trẻ khó tránh có những hành vi chưa phù hợp. Lúc này bạn không nên nóng giận hay đánh mắng khiến trẻ sợ tiếp xúc với người khác về sau. Bạn cần điềm tĩnh, nhẹ nhàng giúp trẻ nhận ra chỗ nào chưa đúng, hậu quả của nó thế nào và điều chỉnh đúng hướng để trẻ không tái phạm lần sau.

KHUYẾN KHÍCH TRẺ MỜI BẠN VỀ NHÀ CHƠI

cach day con thong minh hinh anh 4

Một sai lầm thường thấy ở các ông bố bà mẹ hiện đại là lúc nào cũng muốn giữ nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ và rất “bực mình” khi các bạn nhỏ nghịch phá vui chơi. Thật ra, để trẻ tự do phát triển khỏe mạnh cũng cần có vài sự “bừa bộn”, hãy cho trẻ được mời bạn về nhà cùng chơi. Bạn có thể dạy trẻ cách chơi cho phù hợp, dạy trẻ biết dọn dẹp sau khi chơi. Những đứa trẻ chơi với nhau trong nhà có thể giúp bạn giám sát được an toàn cho trẻ, vừa tạo điều kiện để trẻ học hỏi, giao lưu và tương tác với nhau, phát triển năng lực hợp tác, chia sẻ, đoàn kết về sau.

TÔN TRỌNG CÁ TÍNH CỦA TRẺ

Cho dù nói cần rèn cho trẻ những phẩm chất và kỹ năng giao tiếp phù hợp, khỏe mạnh nhưng không có nghĩa là bạn hoàn toàn can thiệp vào tính cách của trẻ. Thực tế, mỗi người vốn có đặc trưng cá tính riêng, chỉ có thể điều chỉnh một phần hay nâng cao những mặt mạnh giúp trẻ được mọi người đón nhận nhiều hơn. Nếu vài sở thích hay thói quen của trẻ không quá ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn và phát triển về sau thì bạn không nên “cưỡng chế” bắt trẻ phải từ bỏ, vì như thế sẽ khiến trẻ cảm thấy bị mất tự do và đánh mất bản sắc của mình.

ĐỪNG NGHĨ TRẺ CÓ NHIỀU BẠN LÀ TỐT

Bạn nghĩ con mình có nhiều bạn bè nghĩa là trẻ rất được yêu thích và hoan nghênh? Thực tế chưa hẳn vậy, nếu tình bạn của trẻ chỉ hời hợt, không gắn bó, hòa thuận và không lâu bền thì bạn cần xem lại khả năng giao tiếp cũng như các mối quan hệ xung quanh trẻ. Trẻ cần có vài người bạn thật sự thân thiết để học được cách xây dựng tình hữu nghị, sự sẻ chia, nhường nhịn, đồng cảm và biết trân trọng tình cảm.

ĐỪNG KHĂNG KHĂNG CHỈ CHO TRẺ CHƠI VỚI BẠN THÔNG MINH

cach day con thong minh hinh anh 3

Từ quan niệm “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, nhiều người cố chấp chỉ cho con mình kết bạn với những trẻ mà bạn nghĩ là “thông minh”, “lanh lợi” hay “có tư cách”. Vô hình trung, bạn đang nhồi nhét tư tưởng hạn hẹp này vào đầu trẻ. Dần dần, trẻ sẽ nghĩ chỉ những người như thế mới xứng đáng giao tiếp với mình, còn những người yếu thế hơn hoặc kém hơn mình ở mặt nào đó thì không nên tiếp xúc. Trẻ có thể sẽ trở thành một người độc tài, không có lòng cảm thông và tôn trọng người khác. Cho nên, chỉ cho con chơi với “bạn thông minh” không phải là cách dạy con thông minh.

ĐỪNG THAY TRẺ GIAO TIẾP

Nhiều người vì sĩ diện sợ con “thất lễ” khi giao tiếp với người khác nên thường đứng ra thay mặt cho con. Ví dụ khi bạn đưa trẻ gặp một người quen, ngay lúc trẻ còn chưa kịp mở lời chào thì bạn đã nhanh miệng: “Con bé nhà em nhát lắm, gặp ai cũng sợ sệt chị ạ”. Kỳ thực chưa hẳn trẻ không dám giao tiếp như bạn nghĩ, chỉ do bạn áp đặt rằng trẻ “rất nhát” và không cho trẻ cơ hội tiếp xúc, dần dần sẽ khiến trẻ nghĩ mình thật sự giống như lời bố mẹ nói, thiếu tự tin và không có kỹ năng giao tiếp.

Lê Phương

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua