Cách phòng 5 căn bệnh thường gặp khi mang thai trong mùa lạnh

Tiết trời lạnh, bạn lo mình dễ mắc bệnh, nhất là cảm cúm, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi vì trong giai đoạn này không được dùng thuốc tùy tiện.

Trong mùa lạnh, thai phụ dễ mắc các căn bệnh thường gặp khi mang thai trong mùa lạnh như cảm cúm, cảm lạnh và cả tiền sản giật. Ngoài ra, bạn còn dễ gặp một số vấn đề khó chịu như nhiễm nấm âm đạo, da khô nứt nẻ. Tuy nhiên, bạn không muốn dùng thuốc để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Sau đây là một vài mẹo phòng và trị bệnh bạn có thể áp dụng mà không cần dùng đến thuốc.

PHÒNG CẢM LẠNH

Người bình thường cẩn thận một thì bạn phải cẩn thận mười để không bị cảm lạnh với những triệu chứng như đau họng, khó thở, nghẹt mũi, sốt, ho và đau mỏi các khớp.

Bạn nên chủ động ngừa bệnh cảm lạnh bằng cách giữ ấm cơ thể, đặc biệt là phần đầu, cổ, ngực, bằng khăn quàng cổ, găng tay và tất. Bạn chú ý ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày và nên ăn món nóng để giúp giữ ấm cơ thể. Bạn vệ sinh tay thường xuyên để hạn chế vi khuẩn gây bệnh xâm nhập.

Bên cạnh đó, bạn nên uống nhiều nước và các loại nước ép trái cây để tăng sức đề kháng.

cac-benh-thuong-gap-khi-mang-thai-mua-lanh-uong-nuoc-cam

Uống nước trái cây để bổ sung vitamin phòng ngừa các bệnh thường gặp khi mang thai trong mùa lạnh

PHÒNG BỆNH CẢM CÚM KHI MANG THAI

Khi mang thai, bạn có nguy cơ nhiễm cúm cao hơn người bình thường do cơ thể suy giảm miễn dịch. Bác sỹ Ngọc Trang, công tác tại bệnh viện Từ Dũ cho biết:

“Đối với thai phụ, cúm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con, nhất là vi-rút cúm và rubella. Nhiễm cúm trong ba tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến nguy cơ dị tật thai nhi, ảnh hưởng đến tim mạch, hô hấp”.

Do cúm lây qua đường hô hấp, bạn nên hạn chế đến nơi đông người, tránh tiếp xúc với người bệnh. Bạn giữ ấm cho cơ thể, đeo khăn choàng cổ, tất và bổ sung thêm trái cây tươi, rau xanh vào bữa ăn. Dâu, dưa vàng, xoài, kiwi, lựu, súp lơ xanh, ớt chuông, cải xoăn là những loại rau quả có lượng chất chống ô-xy hóa, vitamin C và E cao, giúp bạn tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ngủ đủ giấc, tập luyện nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày cũng là liều thuốc tự nhiên giúp cơ thể bạn chống lại bệnh cúm hiệu quả.

NHIỄM NẤM, VIÊM NHIỄM ÂM ĐẠO

Quá trình thai nghén khiến lượng estrogen trong cơ thể bạn tăng, môi trường âm đạo cũng thay đổi, dễ dẫn đến viêm nhiễm âm đạo và nhiễm nấm. Bệnh gây cảm giác ngứa ngáy, nóng rát vùng kín. Mùa lạnh, nếu bạn ít vệ sinh cơ thể, vùng kín cũng dễ có nguy cơ nhiễm nấm. Để phòng tránh, bạn nên ăn sữa chua, dùng thêm tỏi trong các món ăn để tăng cường hệ miễn dịch. Nếu bị bệnh, bạn nên đi khám chứ không tự ý mua thuốc về đặt trong âm đạo hoặc uống.

cac-benh-thuong-gap-khi-mang-thai-mua-lanh-an-sua-chua

Bệnh viêm nhiễm âm đạo là một trong các bệnh thường gặp khi mang thai trong mùa lạnh. Thêm sữa chua, tỏi vào bữa ăn hàng ngày để giúp trị nấm hiệu quả.

TIỀN SẢN GIẬT

Bác sỹ Ngọc Trang giải thích, vào mùa lạnh, thai phụ dễ có nguy cơ bị tiền sản giật. Thời tiết lạnh làm tăng sự co thắt mạch máu và gây ra cơn tăng huyết áp, là nguyên nhân dẫn đến tiền sản giật. Trời lạnh còn khiến thai phụ lười ăn uống, ăn thiếu chất dinh dưỡng, nhưng lại làm việc nặng nhọc.

Chứng tiền sản giật thường xảy ra ở thai phụ có bệnh nội khoa cũ như thận, nhiễm độc giáp (basedow), tiểu đường. Bệnh có thể phát hiện sớm qua những dấu hiệu như phù tay, chân, tăng cân nhiều kèm theo đau đầu, đau bụng, tăng huyết áp, nước tiểu nhiều chất đạm. Do vậy, bạn cần đi khám thai định kỳ để bác sỹ theo dõi huyết áp, phù chi.

Ở nhà, bạn giữ nhiệt độ phòng ấm áp, chú ý đến các biểu hiện khác thường của cơ thể để đi khám kịp thời.

DA KHÔ, NỨT NẺ, DỄ BỊ RẠN DA

Thời tiết hanh khô của mùa đông có thể đẩy nhanh quá trình mất nước của cơ thể bạn, làm bạn lười uống nước. Vì thế, da trở nên khô hơn, gây ngứa ngáy và khó chịu. Về đêm, lòng bàn tay, bàn chân có thể ngứa ngáy. Đây là dấu hiệu rối loạn gan, ứ mật sản khoa trong thai kỳ. Bệnh này có xu hướng xuất hiện vào khoảng tuần thứ 28 và sẽ biến mất ba tuần sau khi sinh. Nguyên nhân do nồng độ estrogen cao khi mang thai khiến gan hoạt động không tốt.

Để hạn chế, bạn tăng cường ăn rau xanh và trái cây nhằm bổ sung nước và các loại vitamin cho cơ thể. Bạn có thể dùng thêm các loại kem dưỡng ẩm dành riêng cho thai phụ nhằm ngăn ngừa hiện tượng rạn da và khô da. Bạn cũng có thể tìm mua các loại kem dưỡng ẩm chứa tinh dầu thiên nhiên như ô-liu. Để đảm bảo an toàn, trước khi sử dụng, bạn mang loại kem đó nhờ bác sỹ da liễu tư vấn.

kem duong da tay Kamill Duc

ĐỊA CHỈ KHÁM DA CHO BẠN
– Bệnh viện Da liễu Trung ương, 15A Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội
– Bệnh viện Da Liễu TP. HCM, 2 Nguyễn Thông, quận 3, TP. HCM.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua