Ca sỹ Hương Thanh, người đưa dòng nhạc dân gian Việt ra thế giới

Sống tại Pháp, Hương Thanh là ca sỹ Việt Nam hiếm hoi được quốc tế vinh danh với dòng nhạc dân gian đương đại

Jason Carter đệm đàn cho Hương Thanh hát dân ca Việt

Anh về đâu xin dừng lại nơi đây/Bước ra đi bao giờ trở lại/ Trên đường xa, gió mưa nào cách trở/Xin quay về cho dù tháng năm/Em vẫn chờ, vẫn đợi với quê hương…

Những giai điệu mang nỗi hoài nhớ quê nhà ấy là một trong những bài hát do ca sỹ Hương Thanh và nghệ sỹ harp guitar người Anh Jason Carter sáng tác khi chờ máy bay, trong một chuyến lưu diễn. Tháng Bảy vừa qua, trong chuyến đi cùng đại diện Bảo tàng Guimet đến Việt Nam, Hương Thanh và Jason Carter có dịp trình diễn bài hát ấy tại buổi giao lưu ở Đại học Hoa Sen, TP. HCM. Sau đó, chị có buổi biểu diễn lớn hơn tại Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace ở Hà Nội.

KHÁT KHAO BIỂU DIỄN

Tiếp Thị Gia Đình có dịp nghe chị hát, cùng chị đi cà-phê, ăn tối và đi qua cung đường tuổi thơ mà chị lớn lên. Ngồi sau xe máy, Hương Thanh đưa tay chỉ con hẻm nhỏ ở đường Trần Hưng Đạo gần sở cứu hỏa là khu nhà chị ngày xưa. Hồi ấy, hầu như nghệ sỹ cải lương đều tập trung sống ở khu này. Cha chị cũng nuôi một người đánh đàn trong nhà và từ bé, chị lớn lên giữa “hò lìu xang xê cống”.

Từ lúc 7, 8 tuổi, Hương Thanh đã học nhạc. Hương Thanh bảo chính nhờ những người thầy như ca sỹ Duy Khánh, nhạc sỹ Bảo Thu mà chị mới có ngày hôm nay.

Hồi đó ở lớp nhạc Trường Sơn, Hương Thanh luôn là cô học trò nhỏ nhận được phần thưởng. Cô bé mê đứng trên sân khấu, thích biểu diễn như người chị gái nổi tiếng là ca sỹ Hương Lan. Chính vì tình yêu với âm nhạc mà năm 1977, cô gái 16 tuổi Hương Thanh khóc hết nước mắt khi phải chọn ở lại biểu diễn hay ra nước ngoài theo cha. Cuối cùng, chị đã theo gia đình. Dù vậy, chính tháng ngày tha hương đã bồi đắp nên một Hương Thanh rất Việt.

ĐẠI SỨ NHẠC CỔ VÀ DÂN CA VIỆT

Nhắc đến thành công của Hương Thanh, phải nhắc đến sự kết hợp giữa âm nhạc cổ điển dân tộc với chất jazz đương đại. Hương Thanh phát hành đến 5 đĩa nhạc với nghệ sỹ guitar – nhà sản xuất âm nhạc Nguyên Lê. Trong đó, Fragile Beauty đứng thứ hai trên bảng xếp hạng World Music Charts Europe. Album gồm các bài như Bèo dạt mây trôi, Con nhện giăng mùng, Lý chim quyên, Lý đất giồng…

Tờ The Guardian của Anh nhận xét: “Đĩa nhạc là một tác phẩm thành công khác về năng lực đặc biệt của cặp đôi trong việc phối trộn âm hưởng dân gian châu Á với hơi thở đương đại theo một phong cách thật tươi tắn, mạnh mẽ. Chất giọng của Hương Thanh sáng rõ, nhiều suy tư nhưng vẫn mãnh liệt, đủ để hòa phối với sự nhạy cảm, tinh tế trong những giai điệu mà Nguyên Lê biên soạn”.

Cha của Hương Thanh luôn dặn khóc trên sân khấu là cái lỗi vì nghệ sỹ phải biết kìm nén, để tình cảm ấy lay động đến khán giả. Dù vậy, đôi lần Hương Thanh cũng không kìm được xúc động khi cất lời nỗi niềm quê hương nơi xứ người.

Báo chí thế giới dùng nhiều tính từ để thể hiện chất giọng dày, biểu cảm, giàu chất tự sự của Hương Thanh. Tuy nhiên, nhắc đến dân ca Việt nói chung hay sản phẩm âm nhạc của mình nói riêng, Hương Thanh thường chỉ dùng từ “đẹp” với đôi mắt, miệng cười lấp lánh.

KHÔNG PHẢI LÀ NHẠC CỤ TRONG DÀN NHẠC

20150901-ca-si-huong-thanh-01

Hương Thanh là em gái của ca sỹ Hương Lan

Luôn cởi mở nghe tất cả các dòng nhạc, Hương Thanh tự nhận “tôi rất lanh về lỗ tai”. Dù vậy, hai năm đầu biểu diễn nhạc dân tộc trong dàn nhạc jazz với Nguyên Lê, Hương Thanh cho rằng chị chỉ là một loại nhạc cụ. Phải đến năm thứ ba, 1998, chị mới thực là chị, luyến láy và chính là linh hồn của sân khấu.

Sau 5 album với Nguyên Lê, chị kết hợp với nhiều nghệ sỹ quốc tế khác như Jason Carter của Anh, Fumie Hihara của Nhật Bản, E’Joung Ju của Hàn Quốc, Li Yan của Trung Quốc, sắp tới là một nghệ sỹ rất nổi tiếng khác ở châu Phi.

Khéo thu hút, kết hợp với nhiều nghệ sỹ thế giới là vì Hương Thanh ý thức được sứ mệnh giới thiệu nét đẹp của dân tộc mình với bạn bè năm châu. Mỗi khi biểu diễn, chị biên soạn cho từng nhạc cụ của dân tộc mình cất lên riêng lẻ để bạn bè thế giới cảm nhận được cái đẹp của từng tiếng đàn, tiếng sáo.

Cũng vì muốn giới thiệu âm nhạc dân tộc mà Hương Thanh tự mày mò học đàn bầu. Chị học cả võ thuật để múa kiếm ngay trên sân khấu như trong trích đoạn Trưng Trắc – Trưng Nhị.

Ngoài giọng hát đặc biệt, Hương Thanh thu hút khán giả còn nhờ lời dẫn dắt hóm hỉnh về văn hóa Việt. Vì vậy mà khi các lời hát như “yêu nhau, cởi áo ối à cho nhau” cất lên, khán giả ngoại quốc ngồi dưới bật cười trước sự táo bạo của đôi trai gái vốn dĩ nắm tay đã là chuyện lớn.

Sắp tới, Hương Thanh muốn về nước biểu diễn thường xuyên. Cho đến lúc ấy, có thể bạn sẽ gặp người nghệ sỹ có phong thái vừa mộc mạc vừa trẻ trung này ở festival âm nhạc nào đó. Hầu như luôn luôn, chị sẽ giới thiệu bài hát bằng hai thứ tiếng Việt – Pháp: “Tôi là Hương Thanh, sinh ra ở Việt Nam…”. Lúc đó, bạn sẽ biết âm nhạc dân tộc của mình chưa bao giờ đẹp như thế.

NHỮNG NHÂN DUYÊN ÂM NHẠC

• Ca sỹ Hương Lan là chị gái của Hương Thanh. Hương Lan hướng dẫn em gái cách giữ hơi từ những ngày đầu lên sân khấu.

• Cách đây 10 năm, Jason Carter tình cờ nghe tiếng hát Hương Thanh từ đĩa nhạc Dragonfly mua dọc đường. Từ Anh, Jason gọi điện qua Pháp gặp Hương Thanh nhưng phải 5 năm sau hai người mới gặp và hợp tác cho đến giờ.

• Hương Thanh từng lập nhóm nhạc Camkytiwa (Cầm Kỳ Thi Họa) với các bạn Nhật, Hàn, Trung Quốc. Trong đó, Fumie Hihara biểu diễn đàn koto, shamisen; E’Joung Ju chơi đàn geomungo còn Li Yan chơi đàn nhị. Họ đệm cho Hương Thanh hát dân ca Việt.

YẾN LÊ – Ảnh: CHIKITO HOANG

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua