Bức ảnh của NASA tiết lộ mức độ ô nhiễm khói mù ở châu Á
Bức ảnh ghi lại những luồng khói tỏa ra từ đám cháy trong những bãi than bùn ở hai hòn đảo Sumatra và Indonesian Borneo. Đám khói thổi sang phía Tây và tạo thành những đám mây dày đặc bao phủ cả hai hòn đảo trên cũng như các khu vực lân cận là Singapore và Malaysia.
Những đám khói mù này đã dấy lên nhiều lo lắng trong khu vực. Ô nhiễm khói mù đã khiến cho rất nhiều người phải nhập viện, làm cản trở giao thông và làm bùng nổ những căng thẳng chính trị giữa Indonesia và Singapore.
Đồng thời, theo báo cáo của Cục thông tin khí thải toàn cầu, lửa cháy đã thải ra khoảng 600 triệu tấn carbon vào bầu khí quyển.
Lửa cháy là hiện tượng xảy ra hàng năm ở Indonesia. Tuy nhiên, năm nay, hậu quả đám cháy càng trở nên trầm trọng hơn bởi hiện tượng El Nino.
Ấy thế nhưng, các nhà khoa học cho rằng, không nên lấy hiện tượng El Nino ra để biện minh, khi chỉnh con người đã châm lửa và tạo điều kiện để cho lửa phát triển mạnh.
Trong suốt 30 năm qua, hàng triệu hecta rừng mưa nhiệt đới và đầm lầy than bùn đã bị xóa sổ và làm cho suy thoái, để lại những bụi cây và than bùn khô, những thứ dễ bốc cháy và khó dập tắt được. Sự suy thoái môi trường, phần lớn xuất phát từ khai thác gỗ và khai thác dầu cọ của con người.
Hiện nay, một số công ty ở Indonesia và Singapore đang phải chịu áp lực lớn từ phía chính phủ hai nước này bởi đã gây ra tình trạng ô nhiễm khói mù. Singapore sẽ xử phạt các công ty là thủ phạm gây ra khói mù một khoản tiền lớn, trong khi đó Indonesia đã bắt giữ một vài công ty bị cáo buộc gây ra đám cháy trên.
Theo các nhà khoa học, tình trạng ô nhiễm khói mù sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi có chuyển biến tốt lên. Trong khi chính phủ Indonesia quả quyết sẽ dập tắt đám lửa trong vài tuần, các khoa học gia tại NASA lại cho rằng đám cháy này thậm chí còn lớn hơn sự kiện năm 1997 – 1998, khi ngọn lửa từ Indonesia đã được đánh giá là “thảm họa toàn cầu”.
Tiếp Thị Gia Đình