Virus COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên toàn thế giới. Biến thể Delta với khả năng lây lan nhanh, khiến bất kì ai trong số chúng ta cũng có nguy cơ trở thành F0. Nếu chẳng may dương tính với COVID-19, bệnh nhân dễ cảm thấy lo lắng và suy nghĩ tiêu cực.
Lo âu và hoảng loạn sẽ làm mạch đập nhanh, hồi hộp thậm chí có biểu hiện khó thở, chóng mặt. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình điều trị và hồi phục. Vậy làm thế nào để F0 bớt lo âu trong trường hợp này?
Hướng đến những suy nghĩ tích cực
Tinh thần lạc đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị của bệnh nhân. Cảm thấy lo lắng và căng thẳng trong giai đoạn COVID-19 diễn biến phức tạp là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên đừng suy nghĩ tiêu cực vì nếu không nằm trong nhóm người có nguy cơ cao bị trở nặng khi mắc COVID-19, bạn có thể yên tâm. Sau đó theo dõi triệu chứng và tự điều trị tại nhà với hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.
Theo tư vấn của bác sĩ Trương Hữu Khanh (Nguyên trưởng khoa tại Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP. HCM) có đến 93-95% người bệnh có thể tự điều trị tại nhà và sẽ khỏi bệnh trong vòng 10-14 ngày. Giai đoạn bệnh dễ tiến triển nặng là từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 8. Bệnh nhân lưu ý triệu chứng của mình để có thể sơ cấp cứu kịp thời. Chỉ có 5-7% bệnh nhân cần thở oxy và có khả năng diễn biến nặng cần nhập viện.
Tìm động lực từ việc bạn yêu thích
Thay vì ngồi suy nghĩ lung tung, hãy dùng thời gian vào những việc yêu thích. F0 có thể giảm bớt lo âu và giết thời gian bằng cách đọc sách, xem phim hài, nghe nhạc, chăm cây cảnh…
Ngoài ra bạn có thể gọi điện thoại trò chuyện với người thân, bạn bè. Họ chắc chắn là nguồn động lực vô cùng to lớn của F0 ở thời điểm này. Tạo dựng niềm tin bằng cách chia sẻ về những điều mà bạn muốn làm cùng mọi người sau khi hết bệnh. Với người lớn tuổi, nhận được sự động viên tinh thần từ người thân là điều vô cùng cần thiết.
>> Xem thêm: Đâu là những bệnh nền có nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19?
Vận động vừa sức
Các triệu chứng từ COVID-19 có thể khiến bạn uể oải, mệt mỏi. Hãy vận động vừa sức và đều đặn mỗi ngày. Đi lại trong phòng, tập hít thở để phổi khỏe hơn hoặc tập thiền để đầu óc được minh mẫn.
Bạn cũng có thể tham khảo một số bài tập nhẹ giúp giãn cơ bắp và giảm bớt lo âu với F0. Tránh nằm trên giường quá lâu bởi như vậy sẽ làm cho cơ thể càng thêm ì ạch, khó chịu.
Chọn lọc kênh thông tin
Internet rất rộng lớn, bạn cần chủ động chọn lọc thông tin để bảo vệ sức khỏe tinh thần. Giới hạn thời gian cập nhật tin tức trong ngày bằng cách chỉ dành 15-30 phút để đọc báo. Việc liên tục nghe tin về COVID-19 giữa lúc tình hình dịch bệnh đang căng thẳng có thể khiến F0 trở nên lo âu.
Hãy chọn các kênh thông tin chính thống và uy tín. Tránh nghe và xem những trang đăng tải nội dung phản cảm, sai sự thật gây hoang mang. Việc tiếp cận các nguồn thông tin tích cực, bổ ích sẽ giúp tâm trạng bạn thoải mái hơn.
Học cách chấp nhận
Nếu gặp tình huống khó khăn, bạn nên tập trung vào việc có thể làm gì để giải quyết vấn đề. Xử lí nó trong khả năng tốt nhất của mình. Hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân và cộng đồng.
Bên cạnh đó cần học cách chấp nhận chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát. Cuộc sống vốn có những điều không hoàn hảo. Thay vì oán trách tại sao mình lại bị mắc COVID-19 thì bạn nên cố gắng điều trị thật tốt. Như vậy thì F0 sẽ bớt lo âu và cơ hội khỏi bệnh cũng gia tăng.
Tiếp Thị Gia Đình