Bộ Y tế khuyến cáo: Không đập, chà xát kiến ba khoang trên người để tránh bị viêm da

Ngày 13−10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, kiến ba khoang thường xuất hiện ở các khu dân cư: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP. HCM… nhất là ở nơi gần cánh đồng lúa.

Kiến ba khoang có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da

Loài này thường xuất hiện vào mùa thu, thời gian vào dịp thu hoạch vụ lúa mùa sẽ xuất hiện mật độ dày đặc hơn so với thời điểm khác. Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 10−2015, kiến ba khoang đã xâm nhập vào nhiều khu nhà ở của người dân.

Cụ thể: Tháng 9−2015, tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (P. Linh Trung, Q. Thủ Đức), có 294 sinh viên bị bỏng da do kiến ba khoang; từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10−2015 đã có 630 lượt các phòng trong ký túc xá phát hiện loại kiến này. Nhiều ngày qua, tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) cũng phải ứng phó với tình trạng kiến ba khoang xuất hiện nhiều, ở hầu hết các khoa, phòng đều có kiến, gây tổn thương da cho bệnh nhân và người nhà.

Bộ Y tế khuyến cáo

Nếu kiến ba khoang xuất hiện trong khu vực, người dân nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Người dân nên ngăn cản kiến ba khoang vào nhà bằng cách:

– Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào
– Đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào
– Nên ngủ trong màn
– Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này.

Đồng thời, mọi người nên mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng.

Khi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa mưa bão, người dân cần sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như: mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng. Nếu có kiến ba khoang bò trên người, hãy thổi nhẹ để kiến bay hoặc để một tờ giấy vào vùng da đó cho kiến bò lên giấy và lấy ra khỏi người; sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với kiến. Nếu đã lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc ngấm vào cơ thể.

Kiến ba khoang là gì?

kien-ba-khoang-la-gi

Hình dạng kiến ba khoang (rove beetle)

Kiến ba khoang là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học là Paederus fuscipes (tên tiếng Anh là rove beetles). Kiến có thân hình thon, dài như hạt thóc (dài khoảng 0,7−1cm, ngang 2−5mm), có ba đôi chân, bụng có đốt, thon nhọn về đuôi, bay và chạy rất nhanh. Về màu sắc, đôi khi có màu cam tối hay sậm màu, vùng bụng trên và đầu màu đen, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng.

Kiến ba khoang phân bố rộng khắp thế giới. Chúng thường sống ở ven ruộng, quanh gốc rạ, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau, trong những nơi đang xây dựng. Kiến ba khoang thường tìm thấy trên các ruộng lúa, trường học, ký túc xá, khu ở trọ, nhà ở tập thể công nhân ngoại ô thành phố, nơi có cỏ mọc xung quanh.

Biểu hiện viêm da khi tiếp xúc với kiến ba khoang

Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, bạn dễ bị viêm những vùng da hở như: cổ, mặt, lưng, tay, chân… Kiến có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da.

Ban đầu người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, đỏ một vùng da; sau 6 −12 giờ, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều từ 1−5mm; một đến ba ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này, người bị dính chất độc của kiến ba khoang có cảm giác đau, rát càng tăng; có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương.

Nếu tay bị dính chất độc khi đập kiến, chà xát và sờ vào mắt có thể làm bỏng mắt. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả hai mắt, 2− 3 ngày mới đỡ, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau khó đi lại.

Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm da sẽ tiến triển sang dạng loét. Các vết loét có nhiều hình dạng khác nhau tùy theo động tác khi ta đập, giết và chà xát kiến trên da.

Nguồn TTXVN/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua