Bộ Giáo dục − Đào tạo lên tiếng về ý định “khai tử” môn Lịch sử

Mới đây, Bộ Giáo dục − Đào tạo đã lên tiếng về ý định "khai tử" môn Lịch sử bằng việc tích hợp môn này với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Học sinh học môn Lịch sử thông qua hoạt động ngoại khóa

Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý định tích hợp môn Lịch sử với các môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc đã trở thành một chủ đề nóng, gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã giúp người dân hiểu rõ ý định của Bộ về vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, Lịch sử và Giáo dục công dân là hai môn học rất quan trọng trong nhà trường. Chính vì thế, cần phải có sự đổi mới về hình thức, nội dung cũng như phương pháp để nâng cao hiệu quả dạy và học các môn học này.

Về phương pháp dạy học, Bộ Giáo dục đề xuất tăng cường giáo dục năng lực và phẩm chất người học thay cho việc mình nặng trang bị kiến thức. Kiến thức cũng phải lồng ghép tích hợp để có thể giảm bớt số môn học bắt buộc mỗi một cấp học. Ngoài ra, tính hướng nghiệp cho học sinh cũng cần phải được nâng lên.

Xuất phát từ những yêu cầu này, Bộ Giáo dục − Đào tạo thiết kế một môn học tổng hợp kiến thức của nhiều môn khác nhau và một lĩnh vực kiến thức có thể xuất hiện ở nhiều môn học để những kiến thức liên quan đến nhau, được sắp xếp gần nhau và bổ sung lẫn nhau. Qua đó, giáo viên, học sinh cũng sẽ dễ liên hệ, dễ vận dụng kiến thức trong thực tiễn. Chính vì thế, ba môn Lịch sử, Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng sẽ được tích hợp thành môn Công dân với Tổ quốc.

Bộ Giáo dục cho biết, việc xác định tên gọi môn học Công dân với Tổ quốc nhằm xác định trí thức, hiểu biết quan trọng và cần thiết đối với học sinh sắp trở thành một công dân Việt Nam bao gồm những quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Không phải chỉ có môn Giáo dục công dân hay Lịch sử mà các bộ môn khác như Sinh, Sử, Địa, Hóa, Lý…cũng được sắp xếp lại thành môn học mới theo tinh thần tăng cường tính tích hợp ở cấp học dưới, tăng tính định hướng nghề nghiệp ở bậc Trung học Phổ thông.

Đánh giá về những ưu điểm của việc tích hợp, ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Kiến thức có trên nhiều lĩnh vực khác nhau mà số môn học thì ít, nên việc tích hợp các môn học là điều bắt buộc. Việc chủ động tích hợp ngay bây giờ sẽ rất tốt bởi nó sẽ nhuần nhuyễn ngay từ đầu, không phải chắp vá thêm. Khi chắp vá thêm có thể tích hợp sẽ có khó khăn xử lý về sư phạm, kể cả về mặt nội dung, phương pháp. Hơn nữa, việc tích hợp giúp các kiến thức liên quan gần nhau được sắp xếp gần nhau, sẽ tiện lợi cho giáo viên và học sinh học và vận dụng.

Bên cạnh những mặt tích cực của việc tích hợp môn học, Thứ trưởng bộ Giáo dục − Đào tạo cũng chỉ ra thách thức có thể gặp phải khi tiến hành dạy học tích hợp. Ông Hiển cho hay: Ở những nước mới định hướng tích hợp như Việt Nam, đội ngũ giáo viên còn nhiều khó khăn về mặt nhận thức thì tích hợp ở mức độ vừa phải. Ngoài ra, Bộ sẽ xây dựng thêm một số chuyên đề thích hợp rất sâu, còn ở các nội dung khác thì tích hợp ở mức độ nhạt hơn. Như vậy thì giáo viên có thể thực hiện được nếu qua bồi dưỡng.

Tiếp Thị Gia Đình

 

 

Đừng bỏ qua