Eurasia Concept phối hợp với thương hiệu Cassina tổ chức Triển lãm các tác phẩm nội thất nổi tiếng thế giới của nhà thiết kế huyền thoại Charlotte Perriand tại tòa nhà Times Square Saigon, Q. 1, TP. HCM. 3 chiếc ghế nổi bật nhất của bộ sưu tập ghế LC (LC1, LC2, LC4) thuộc bộ sưu tập vĩnh viễn của Bảo tàng MoMA (Museum of Modern Art New York) đều xuất hiện tại đây. Những thiết kế huyền thoại này đã thành công trong việc tôn vinh vẻ đẹp của “kỷ nguyên máy móc” và “Sự quan trọng của tính nguyên bản trong thiết kế”
VÌ SAO BỘ GHẾ LC TRỞ THÀNH THIẾT KẾ BẤT TỬ?
Bà Charlotte Perriand đã cộng tác với huyền thoại Le Corbusier và Pierre Jeanneret, để cho ra đời những sản phẩm nội thất kinh điển, mang đậm dấu ấn Modernism. Và với bộ ghế này, nhà thiết kế đã tạo một sức ảnh hưởng lớn trong thời kỳ mở đầu trào lưu hiện đại. Hiện bộ ghế đến nay đã gần 90 tuổi nhưng thiết kế của chúng vẫn trẻ trung, phù hợp với phong cách kiến trúc ngày nay.
Đánh dấu cột mốc lịch sử thiết kế những năm 1928–1930, bộ sưu tập những chiếc ghế LC phát triển từ những ống thép, được chào đón như biểu tượng của kỷ nguyên máy móc và vẫn luôn được tìm đến như dòng nội thất bán chạy nhất hiện nay.
Vẻ đẹp của những chiếc ghế LC không chỉ thể hiện sự sáng tạo trong thiết kế, mà còn toát lên niềm đam mê của người sáng lập ra chúng: đặt con người vào trung tâm thiết kế. Theo định hướng của Le Corbusier, sự ra đời các dòng sản phẩm LC1, LC2 và LC4 nhằm hướng đến việc phục vụ cho những mục đích sử dụng khác nhau. Nếu LC1 được ví như chiếc ghế dành cho “những cuộc trò chuyện”, LC2 dành cho “thư giãn”, thì LC4 là chiếc ghế dành cho “những giấc ngủ”.
LC1 – Chiếc ghế dành cho những cuộc trò chuyện có kết cấu khoa học với lưng tựa thoải mái và tay vịn có hình dáng như những sợi dây curoa của xe đạp hoặc xe máy. Nét đẹp riêng biệt của thiết kế tay vịn dây quai độc đáo và phần lưng tựa tạo cảm giác chuyển động về sau nhưng vẫn đảm bảo sự thoải mái tối đa.
Có ba phiên bản LC1 được thiết kế cho 3 mục đích: mô hình trưng bày tại Salon d’Automne năm 1929, phiên bản cho Villa Church năm 1928 và phiên bản khác cho triển lãm Union des Artistes Modernes 1930.
Ghế LC2 – Chiếc ghế thư giãn phá cách: Chiếc ghế bệ vệ, vuông vắn và mềm mại đến mức người ta chỉ muốn lao vào trong vòng tay êm ái của nó ngay lập tức.
Được trưng bày tại Salon d’Automne ở Paris vào năm 1929, nó là chiếc ghế bành theo khái niệm đồ nội thất mới (được hiểu là “thiết bị trong nhà”). Đại diện cho sự tối ưu về tính năng thoải mái, LC2 là chiếc ghế bành dẫn đầu khuynh hướng hiện đại, tiếp cận sự đổi mới kỹ thuật sản xuất: tách khung kim loại và đệm ngồi. LC2 được Cassina sản xuất độc quyền từ năm 1965.
LC4 – Cỗ máy thư giãn “Relaxing Machine”: Được tôn vinh bằng nhiều danh hiệu khác nhau: “cỗ máy êm ái”, “đi-văng của thế kỷ XVIII”, LC4 (tên gọi thuở khai sinh là B306 Chaise Lounge) được lấy cảm hứng từ đường cong gợi cảm của những chiếc đi-văng kiểu Pháp thế kỷ XVIII, LC4 là một tổng thể chặt chẽ của những thanh thép có vẻ ngoài mềm mại bao phủ bằng lông ngựa và da thuộc. Với thiết kế lưng dựa đầy mời gọi, LC4 là hình mẫu cân bằng hoàn hảo về mặt thẩm mỹ. Chiếc ghế là điển hình của việc kết hợp các qui tắc hình học: đảm bảo tính cân bằng của khung ghế ở bất kỳ độ nghiêng nào nhờ sự ma sát giữa thanh kim loại và đế cao su bên dưới.
Trong hồi ức của Le Corbusier, ông nói về chiếc ghế thế này: “Khi nhìn thấy nó, tôi hình dung ngay một chàng cao bồi đến từ miền Viễn Tây, môi ngậm tẩu thuốc, gác chân lên bệ lò sưởi và thốt lên: Nghỉ ngơi thôi!”.
Charlotte Perriand từng tự mình làm mẫu ảnh quảng cáo chiếc ghế trong tư thế nằm vắt chéo chân, diện chiếc váy khá ngắn đối với thời đại ấy, trên cổ đeo một sợi dây chuyền làm từ những viên bi bạc đạn công nghiệp. Hình ảnh bà thoải mái và khiêu khích trên LC4 đã nói lên tinh thần của tác phẩm: tiện nghi, thư giãn tối đa.
Ngoài 3 chiếc ghế LC, hãng Cassina cũng trình diễn những chiếc bàn sofa do chính Charlotte thiết kế. Đó là của chiếc bàn Mexique (1956) và bàn Accordo sơn mài đen bóng gây ấn tượng mạnh. Chúng đều là những thiết kế lồng ghép nét đẹp Đông phương được chắt chiu trong những năm bà sống và làm việc tại Nhật Bản và Việt Nam (1940–1946). Những năm này, Charlotte đã học được nghề mộc và nghề dệt Việt Nam.
Chiếc bàn Mexique (1952/1956)
Kinh nghiệm có được ở Nhật Bản và Việt Nam ảnh hưởng đến phương hướng thiết kế của Charlotte Perriand: lồng ghép nét đẹp văn hóa Đông Phương qua việc sử dụng vật liệu mang đậm hơi thở tự nhiên như gỗ và tre. Sự ra đời của chiếc bàn Mexique (1952/1956) góp phần củng cố mục tiêu sáng tác mới của bà trong việc phát triển dòng sản phẩm nội thất lấy cảm hứng từ những vật liệu tưởng chừng lạ lẫm và khá thô cứng như gỗ. Thiết kế của Mexique nổi bật với hình dáng tam giác có các cạnh tròn, có thể kết hợp vừa vặn trong bất kỳ không gian nào.
BÀI: AN AN
Tiếp Thị Gia Đình