Bình tĩnh trước sự tấn công của vi rút Covid-19

Mỗi ngày trôi qua, số trường hợp nhiễm bệnh và tử vong tại Trung Quốc do vi rút Covid-19 không ngừng tăng lên. Đến nay, con số tử vong đã vượt qua đại dịch SARS gần 2 thập kỷ trước. Điều này khiến nhiều người lo lắng!

Sự lây lan dịch bệnh do vi rút Covid-19 (tên cũ là virut corona) hiện nay bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc, đang được so sánh với đại dịch SARS bùng phát vào năm 2003. Nó khiến gần 800 người thiệt mạng, gần 8.500 người bị ảnh hưởng ở 26 nước. Với Covid-19, tính đến ngày 13/2, toàn thế giới có ít nhất 1.369 ca tử vong và 60.374 ca nhiễm. Các trường hợp tử vong chủ yếu nằm trong biên giới Trung Quốc.

Bộ Y tế Việt Nam đánh giá dịch SARS nguy hiểm hơn dịch vi rút Covid-19 hiện nay rất nhiều. Dù cả hai dịch bệnh đều bắt nguồn từ vi rút corona, tuy nhiên hai chủng này lại không hoàn toàn giống nhau. Mức độ gây tử vong cũng khác nhau.

Vi rút Covid-19 có nguy hiểm hơn SARS?

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP. HCM, SARS có đường kính từ 60-130 nm. Bề mặt của vi rút có các gai glycoprotein giống hình vương miện. Chúng có thể sống ở bên ngoài cơ thể trong nhiều giờ, tồn tại trong phân và nước tiểu ở nhiệt độ phòng trong tối thiểu 1-2 ngày, thậm chí tới 4 ngày. Ở 0ºC, vi rút này có thể tồn tại tới 3 tuần.

Còn với Covid-19, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc xác nhận chủng mới vi rút corona có thể tồn tại đến 5 ngày trong môi trường phù hợp (20°C và 40-50% độ ẩm). Nó chủ yếu được truyền qua nước bọt hoặc tiếp xúc cơ thể nhưng chỉ trong khoảng cách có hạn (từ 1-2 m). Sau khi ra ngoài cơ thể, nó sẽ nhanh chóng ổn định và không trôi nổi ngoài không khí. Điều này có nghĩa Covid-19 không có trong không khí.

Về nguồn gốc, một số chuyên gia về vi rút học cho rằng SARS là một biến chủng của vi rút corona ở động vật và có độc lực rất cao. Trong khi đó, Covid-19 là biến chủng mới nên chưa rõ chúng xuất hiện từ đâu.

Theo CNN, các nhà khoa học tin rằng SARS đến từ dơi và lây sang cầy hương – loài động vật được ăn nhiều ở vùng phía Nam Trung Quốc. Sau đó lan sang con người. Với Covid-19, có thuyết rằng vi rút có thể bắt nguồn từ khu chợ Huanan và có thể lây truyền sang người từ rắn hoặc dơi, nhưng điều này chưa chắn chắn.

Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tập trung vào nhóm người cao tuổi và có sức đề kháng yếu

Theo các dữ liệu y tế, vi rút Covid-19 ôn hòa hơn so với SARS về mức độ khắc nghiệt, tỷ lệ tử vong và khả năng lây nhiễm. Xét về số người bị lây nhiễm, tới nay, tỷ lệ tử vong do virus mới này chỉ khoảng 2,26% (dữ liệu thống kê ngày 13/2/2020). Trong khi đó, đợt bùng phát dịch SARS có 8.437 người trên thế giới nhiễm bệnh và có tỷ lệ tử vong là 9,6%. Theo báo cáo của WHO, số ca tử vong do SARS từ 1/11/2002 đến 11/7/2003 là 813 người.

Tuy tỷ lệ tử vong thấp hơn, quy mô đợt dịch do Covid-19 đã vượt quá SARS, với số người nhiễm lẫn người tử vong đã vượt quá dịch SARS cách đây gần 2 thập kỷ. Một yếu tố nữa cho thấy sự phức tạp của đợt dịch hiện nay là Covid-19 không giống như SARS: Vi rút có thể truyền bệnh sang người từ khi người nhiễm chưa có triệu chứng của bệnh. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc nói rằng Covid-19 có thể bị lây trong thời gian ủ bệnh lên tới 14 ngày.

Như vậy, việc kiểm soát bệnh vô cùng khó khăn. Vi rút có thể đã có trong cơ thể một người không bị sốt. Nghiêm trọng hơn, ngay cả những người bị sốt cũng có thể không hề hay biết đã bị nhiễm Covid-19. Họ tự ý dùng thuốc hạ sốt và dễ dàng vượt qua vòng “kiểm duyệt” của máy đo thân nhiệt ở sân bay. Từ đó họ trở thành nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà cũng cho biết trường hợp tử vong của SARS tùy thuộc vào tuổi bệnh nhân. Đối với người dưới 25 tuổi, tỷ lệ tử vong ít hơn 1%, 25-44 tuổi tỷ lệ tăng lên thành 6%, 45-64 tuổi là 15% và hơn 65 tuổi là từ 50%. Trong khi đó, với vi rút Covid-19, người già và người có sức đề kháng yếu là đối tượng tử vong chủ yếu.

Hầu hết người nhiễm sẽ khỏi bệnh sau 2 tuần

Bác sĩ Bành Chí Dũng – trưởng khoa hồi sức tích cực bệnh viện Trung Nam của Đại học Vũ Hán – cho biết theo ghi nhận của ông, hầu hết người nhiễm vi rút Covid-19 sẽ khỏi sau 2 tuần. Đối với những người trở nặng, nếu sống sót sau 3 tuần, họ cũng sẽ ổn.

Về cơ bản, bệnh chuyển biến từ nhẹ sang nặng chỉ trong 1 tuần. Có nhiều triệu chứng nhẹ như suy nhược, khó thở, có thể sốt hoặc không.

Dựa trên nghiên cứu 138 trường hợp nhiễm vi rút Covid-19 của đội ngũ của bác sĩ Bành, các triệu chứng phổ biến trong giai đoạn đầu phát bệnh là sốt (chiếm 98,6% các trường hợp), suy nhược (69,6%), ho (59,4%), nhức mỏi (34,8%), khó thở (31,2%). Các triệu chứng ít phổ biến bao gồm đau đầu, chóng mặt, đau dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân khi bước sang tuần thứ hai sẽ đột ngột trở nặng. Ở giai đoạn này, người bệnh nên đến bệnh viện. Những người lớn tuổi với các bệnh lý sẵn có có thể diễn biến phức tạp. Một số sẽ cần đến máy trợ thở.

Bệnh sẽ nghiêm trọng với những người có sức khỏe kém ở giai đoạn này. Trong khi đó, những người có hệ miễn dịch mạnh sẽ thấy dần khá hơn và bắt đầu hồi phục. Do đó, bác sĩ Bành cho biết ở tuần thứ hai này sẽ xác định được liệu bệnh có trở nặng hay không.

Tuần thứ ba là để xác định những ca nặng có tử vong hay không. Một số người trong giai đoạn này sẽ được điều trị để tăng bạch huyết bào (lymphocyte). Đây là một loại tế bào bạch cầu trong hệ miễn dịch của cơ thể. Nếu có sự cải thiện của hệ thống miễn dịch, người bệnh sẽ trở nên khá hơn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục giảm bạch huyết bào sẽ dẫn đến suy đa tạng và tử vong.

vi rút Covid-19

Rửa tay thường xuyên để phòng vi rút Covid-19

Làm gì để bảo vệ mình trước sự tấn công của Covid-19?

Hiện nay, thuốc kháng sinh không có tác dụng diệt vi rút này. Các loại thuốc chống vi rút dùng cho bệnh cúm thông thường cũng không hiệu quả. Do đó, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo về phòng ngừa vi rút Covid-19.

Nếu đang có dấu hiệu như sốt, ho hoặc khó thở, bạn cần tránh đi lại, du lịch. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của bệnh, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, bạn cần chia sẻ thông tin về lịch trình di chuyển của bản thân với các nhân viên y tế.

Ngoài ra, bạn nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Đồng thời, bạn hạn chế tiếp xúc với những người bị ho, sốt.

Để bảo vệ cho người xung quanh, bạn nên che kín miệng bằng khẩu trang; hoặc sử dụng khăn giấy hoặc tay áo khi ho, hắt hơi. Sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác ngay và rửa tay. Ở nơi công cộng, không khạc nhổ bừa bãi. Bạn nên đeo khẩu trang khi tới chỗ đông người; hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh về hô hấp nói chung.

Không nên tiếp xúc gần và ăn thịt các động vật hoang dã, chỉ dùng các loại thực phẩm quen thuộc đã được nấu chín kỹ.

Uống đủ nước và nên uống nước ấm giúp tránh vi rút xâm nhập vào trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người thực hiện các biện pháp phòng ngừa thông thường như uống nhiều nước; ăn nhiều loại thực phẩm chứa vitamin, khoáng chất; nghỉ ngơi nhiều sẽ giảm nguy cơ bị nhiễm các vi rút và vi trùng nói chung.

Sau cùng, cách phòng chống vi rút Covid-19 tốt nhất vẫn là nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Khi đó, hệ miễn dịch có thể tự tiêu diệt vi rút ngay từ khi mới xâm nhập vào cơ thể cũng như khi đã gây bệnh.

Ngoài ra tập thể dục, cuộc sống tích cực, cải thiện môi trường sống hòa mình với thiên nhiên cũng giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.

Công văn từ bộ y tế Việt Nam

Theo Công văn vừa được Bộ Y tế ban hành, khi có diễn biến nặng; hoặc được xác định dương tính với chủng virus Corona mới Covid-19, sẽ chuyển người bệnh tới bệnh viện tuyến cuối theo phân tuyến điều trị. Cụ thể:

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung) tiếp nhận người bệnh từ Hà Tĩnh trở ra. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận người bệnh thuộc khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Phú Yên).

Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM tiếp nhận người bệnh thuộc các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng của bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM, người bệnh sẽ được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy; bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, bệnh viện Nhi đồng TP. HCM.\

Thông tin cần biết

Bộ Y tế cũng thông báo đường dây nóng 22 bệnh viện tiếp nhận thông tin dịch bệnh từ vi rút Covid-19:

Bệnh viện Bạch Mai: 0969 851 616

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: 0969 241 616

Bệnh viện E: 0912 168 887

Bệnh viện Nhi Trung ương: 0372 884 712

Bệnh viện Phổi Trung ương: 0967 941 616

Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí: 0966 681 313

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên: 0913 394 495

Bệnh viện Trung ương Huế: 0965 301 212

Bệnh viện Chợ Rẫy: 0969 871 010

Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ: 0907 736 736

Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội: 0904 138 502 (Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Sơn)

Bệnh viện Vinmec Hà Nội 0934 472 768 (trực cấp cứu Bác sĩ Nguyễn Thành Trung – phó giám đốc)

Bệnh viện Đà Nẵng: 0903 583 881

Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM: 0967 341 010

Bệnh viện Nhi đồng 1: 1900 2249 – 0913 117 965

Bệnh viện Nhi đồng 2: 0798 429 841

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai: 0819 634 807

Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa: 0913 464 257

Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa: 0965 371 515

Bệnh viện tỉnh Thái Bình: 0989 506 515

Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn: 0396 802 226

Bộ Y tế: 1900 3228

Bài: EI VEE
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua