Tối qua (12−7), đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Phước − bác sĩ Quách Ái Đức, xác định nguyên nhân khiến 3 người tử vong liên tục tại hai xã Thuận Phú và Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, chính là bệnh bạch hầu. Thông tin này đã gây hoang mang cho người dân.
Bệnh bạch hầu làm 3 người tử vong từ ngày 29−6 đến 8−7 chỉ sau vài ngày nhập viện. Đó là các bệnh nhân Thị Lại (12 tuổi), Điểu Trích (18 tuổi) và Nguyễn Trường Hậu (24 tuổi).
Cả 3 bệnh nhân này nhập viện Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước vào ngày 24−6 trong tình trạng sốt, ho và khó thở. Sau một vài ngày điều trị, tình trạng đột ngột chuyển biến xấu và dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Đức cho biết thêm từ ngày 24−6 đến 12−7, tại tổ 4, 5, 6 (ấp Thuận Tiến) và tổ 2 (ấp Thuận Phú 3) đã phát hiện 34 ca mắc bệnh tương tự.
Ngoài trường hợp bệnh bạch hầu làm 3 người tử vong, hiện tại bệnh viện tỉnh Bình Phước đang giữ lại điều trị 26 người và chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM 5 người. Trong đó có 3 người cùng là thành viên của một gia đình và chơi cùng với một trong những người đã tử vong.
Hiện tại, Viện Pasteur TP. HCM phối hợp cùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã hoàn tất quá trình xác định bệnh và đang gấp rút tiến hành các biện pháp phòng chống dịch.
Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể.
Bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể lây nhiễm cho người khác.
Triệu chứng thường gặp của bạch hầu là sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2−3 ngày, thành họng của người bệnh xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6−10 ngày.
Người mắc bệnh bạch hầu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời để sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch, thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận….
Bệnh này gần như biến mất trong các năm gần đây. Tuy nhiên, từ vụ bệnh bạch hầu làm 3 người tử vong ở Bình Phước có thể thấy rằng bệnh vẫn có nguy cơ tái phát và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Cách phòng bệnh bạch hầu:
– Tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh
– Hạn chế đến những nơi đông người khi không thật cần thiết
– Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
– Vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn
– Nếu nhà có người nhiễm bạch hầu, cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp, đeo khẩu trang khi tiếp xúc.
Bài: Hân Thái
Ảnh: thanhnien
Tiếp Thị Gia Đình