Bình đẳng giới trong sách giáo khoa đã từ lâu trở thành một trong những vấn đề được ngành giáo dục quan tâm hàng đầu. Hiện nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về bình đẳng giới, đạt được khá nhiều thành công trong việc thực hiện mục tiêu về tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý hoặc thăng tiến trong công việc vẫn chưa đạt được mục tiêu mong đợi khi mà xã hội Việt Nam còn tồn tại quan niệm trọng nam, khinh nữ.
Hôm nay (7-12), tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tổ chức buổi tập huấn “Bình đẳng giới trong sách giáo khoa, giáo dục phổ thông” cho 60 học viên là giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng sư phạm, giáo viên phổ thông cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh phía Bắc nhằm rà soát và đưa ra những kiến nghị thay đổi tích cực.
Các sách giáo khoa được tiến hành rà soát ngay tại buổi tập huấn bao gồm tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội (lớp 1); Ngữ Văn, Giáo dục công dân (lớp 6); Ngữ văn và Giáo dục công dân (lớp 10).
Theo Phó giáo sư Hoàng Bá Thịnh, đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, sự xuất hiện của phụ nữ trong sách giáo khoa hiện nay chiếm tỷ lệ thấp hơn so với nam giới trong các văn bản, hình ảnh và minh họa. Điều này chứng tỏ người biên soạn sách giáo khoa còn mang “định kiến vô hình” về giới tính khi biên soạn sách. Rà soát sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2 và 3 chỉ có 9/61 tác giả được trích dẫn và nhắc đến trong sách giáo khoa là phụ nữ. Tỷ lệ tác giả nam áp đảo nữ trong các lĩnh vực học tập khác nhau có thể khiến người học tin rằng giới tính liên quan tới khả năng làm tốt một lĩnh vực nào đó.
Phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến 12 có 8.276 nhân vật trong nội dung văn bản, nam giới chiếm tới 69%, nữ giới chỉ có 24%. Những ví dụ trong sách giáo khoa về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng có tới 95% là nhân vật nam. Nghề nghiệp các nhân vật trong sách giáo khoa cũng không có sự cân bằng khi nam giới có nghề nghiệp cụ thể, đa dạng và đều là những công việc xuất hiện ở không gian công cộng, xã hội như bác sỹ, nhà khoa học, giáo sư, kỹ sư, họa sỹ, bộ đội, công an… Trong khi nữ giới đa phần là những công việc đơn giản, xuất hiện trong không gian gia đình như nhân viên, nội trợ…
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Bình đẳng giới là vấn đề rất quan trọng và Việt Nam đang thực hiện mục tiêu này. Thông qua các lớp tập huấn, cần phân tích kỹ vấn đề bình đẳng giới trong sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy để loại bỏ những kiến thức, thông tin, hình ảnh thể hiện định kiến giới tính. Từ đó, nghiên cứu đưa nội dung về giới tính nói chung, bình đẳng giới nói riêng vào các chương trình giáo dục trong nhà trường, sao cho phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo”.
Theo TTXVN