Biến người chết thành phân bón: Xu hướng mai táng mới

Washington là bang đầu tiên của Mỹ hợp pháp hóa việc biến thi thể người thành phân bón, thay thế cho việc chôn cất hoặc hỏa táng thông thường

Thống đốc Jay Inslee của bang Washington, Mỹ mới đây vừa ký thông qua một Dự luật. Dự luật này cho phép biến người chết thành phân bón thay vì chôn cất hoặc hỏa táng. Dự luật sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 5/2020.

Thách thức cho môi trường trước các kiểu chôn cất truyền thống

Hiện tại ở Washington (và nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam); người ta thường có hai lựa chọn với thi thể người quá cố: hỏa táng hoặc chôn cất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng; hai giải pháp này đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Chôn cất là giải pháp được nhiều người chọn nhất vì nó hợp lòng người, hợp văn hóa. Thế giới quan niệm khi nhắm mắt xuôi tay; để linh hồn người quá cố được yên nghỉ; thi hài của họ phải được chôn nguyên vẹn trong một quan tài vững chắc.

Nhưng vấn đề là, quá trình chôn cất này, gây hại… kha khá đến môi trường.

Khi chôn cất, chất formaldehyde đi vào đất. Đây là chất gây ung thư. Việc chúng gây hại thế nào khi đi vào trong đất vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Tập tục chôn cất truyền thống còn thải ra nhiều khí mê-tan – một loại khí nhà kính có khả năng gây chết người cao hơn các-bon đi-ô-xít.

Để chôn cất, mỗi người cần một cỗ quan tài vững chắc. Quan tài ấy làm từ gỗ hoặc thép. Chưa hết, nhằm thể hiện lòng hiếu thảo, kính trọng với người khuất; người sống sẽ phải xây dựng nhưng ngôi mộ lớn và công phu. Đây là tập tục để người sống tưởng nhớ và tỏ lòng với người đã khuất. Nhưng thế giới đang quá tải dân số, diện tích tự nhiên thu hẹp dần; việc chôn cất thu hẹp diện tích đất, gây tổn hại rất nhiều nguyên liệu từ môi trường.

Hoả thiêu giúp tiết kiệm rất nhiều diện tích đất và giúp việc lưu giữ thi hài của người mất thuận tiện hơn. Mặc dù hỏa táng thân thiện hơn so với chôn cất song nó vẫn gây ra nhiều tác hại với môi trường. Một lần hoả thiêu trung bình kéo dài từ 45 đến 90 phút ở mức nhiệt 760–1150oC để chuyển hoá thi hài thành tro hoàn toàn. Ngoài việc đốt cháy năng lượng hoá thạch; quá trình này giải phóng khí nhà kính và làm bay hơi các hóa chất độc hại khác có thể có trong cơ thể như thủy ngân, điôxin và furan vào không khí.

Thêm vào đó, đa số chúng ta không đem phần tro cốt người thân rải ở sông hồ; biển cả. Chúng ta vẫn lưu trữ trong các nhà cốt nơi chùa chiền hay nhà thờ. Dù không tốn diện tích như chôn cất; văn hóa này vẫn tốn diện tích, tốn nguyên liệu để làm bia; làm hũ đựng tro cốt…

Có thể thấy, ngay cả khi chết đi, chúng ta vẫn có thể gây ô nhiễm môi trường.

Biến người chết thành phân bón

Chết không phải là hết. Khi chúng ta nhắm mắt, trách nhiệm vẫn nặng trĩu trên vai-trách nhiệm với môi trường sống.

Đây có lẽ là lý do nhiều người Mỹ ủng hộ Dự luật về việc biến thi thể người thành phân bón. Những người ủng hộ đạo luật cho rằng; việc biến thi thể thành phân bón là biện pháp thân thiện môi trường và tiết kiệm chi phí; thể hiện được trách nhiệm của người chết với người sống, với môi trường.

Theo Dự luật, quá trình ủ sẽ giúp thi thể người phân hủy nhanh hơn; giảm thiểu khí carbon thải ra môi trường từ các hoạt động chôn cất và hỏa táng. Đây là cách mà nông dân thường dùng để giải quyết xác thú vật chết trong trang trại của họ. Katrina Spade, giám đốc điều hành công ty xử lý thi thể theo cách Recompose giải thích; thi thể sẽ được đặt vào một thùng sắt, “ủ” trong các vật liệu tự nhiên như gỗ dăm; rơm và cỏ linh lăng. Nhờ hoạt động của vi sinh vật, sau khoảng 3–7 tuần; thi thể sẽ phân hủy vào đất.

Trong quá trình thi thể phân hủy; gia đình có thể đến thăm và cuối cùng nhận lại phần đất thi thể đã hòa trộn với đất ấy. Gia đình có toàn quyền quyết định cách sử dụng phần đất đặc biệt này như mang đi rải sông, rải biển, trồng rau hoặc trồng cây.

Quy trình này là trọng tâm của một nghiên cứu tại Đại học bang Washington; trong đó 6 người đã hiến tặng thi thể. “Đây là quá trình thực sự an toàn và hiệu quả đối với thi thể người”, cô Katrina Spade nói. Nếu hỏa táng rẻ hơn chôn cất thì cách an táng đặc biệt này còn rẻ hơn cả hỏa táng. Ở Mỹ, chi phí trung bình cho việc chôn cất là 8.000–25.000 đô-la và hỏa táng là 6.000 đô-la.

Với việc “ủ” thi thể thành phân bón, công ty của Katrina Spade sẽ thu phí khoảng 5.500 đô-la cho quá trình này. Leslie Christian – một người ủng hộ cách xử lý thi thể mới này cho rằng; từ góc độ môi trường, đây là lựa chọn thiết thực. Cô cho biết, rất nhiều người tán thành quy trình này. Anh trai cô muốn phần đất của mình được sử dụng để trồng cà chua.

Bạn có quyền tự do với bản thân mình, cả khi đã tạ thế

Nghe về quy trình này, nhiều người cảm thấy ghê rợn hoặc quá bất kính với người đã mất. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Jamie Pedersen nói rằng; biến người chết thành phân bón là cách xử lý thi thể thân thiện với môi trường và mang đến một thế giới bền vững.

Ông nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta áp dụng một số công nghệ cho trải nghiệm chung này của con người; vì chúng tôi nghĩ rằng mọi người nên có quyền tự do quyết định thi thể của mình sẽ được xử lý như thế nào”. Ngay cả khi Việt Nam chưa có dự luật giống Mỹ; bạn vẫn hoàn toàn có thể thể hiện trách nhiệm của bản thân với môi trường và với người thân còn sống. Hãy nghĩ thoáng hơn với hỏa táng để chọn cách hỏa táng thay vì chôn cất. Hãy nghĩ đến quan tài thân thiện môi trường, nghĩ đến việc hạn chế các hủ tục như đốt vàng mã… chúng ta cũng đã góp phần bảo vệ môi trường.

Xu hướng tang lễ thân thiện môi trường cũng đang nổi lên khắp châu Á. Các quan tài làm bằng giấy và mây tre có lẽ sẽ trở thành xu hướng tang lễ trong tương lai dành cho những người yêu môi trường; vì môi trường ngay cả khi đã chết đi.

Bài: XOA NGUYỄN 

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua