Biến đổi khí hậu đe dọa chuỗi thức ăn trong môi trường biển

Các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Adelaide, Australia, cho biết việc gia tăng lượng khí thải CO2 là nguyên nhân khiến chuỗi cung ứng thức ăn trong môi trường biển bị biến đổi

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời sống của các rạn san hô

Hiện môi trường sống trong các đại dương trên toàn thế giới đang rất sôi động, nhưng dự báo tương lai của loài cá sẽ rất khắc nghiệt trước tác động của tình trạng biến đối khí hậu.

Các nhà sinh thái học hải dương của Đại học Adelaide đã phân tích, tổng hợp hơn 600 nghiên cứu trước đây về các rạn san hô, rừng tảo, các đại dương mở và các vùng nước tại khu vực nhiệt đới và Bắc cực. Kết quả cho thấy so với trước đây, môi trường đại dương đã có nhiều biến đổi. Nguyên nhân là do tình trạng a-xít hóa và nhiệt độ trung bình tăng lên, đe dọa sự đa dạng sinh thái cũng như giảm mạnh số lượng các loài thủy sinh.

Giới chuyên gia cảnh báo với một môi trường biển ngày càng bị “đơn giản hóa”, xói mòn như vậy, cuộc sống của cư dân duyên hải vốn dựa vào nguồn tài nguyên thủy – hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Giáo sư Ivan Nagelkerken, đồng tác giả của nghiên cứu trên, sẽ rất ít cá thể có thể thích nghi với điều kiện sống mới khi nước biển ấm hơn và có nồng độ a-xít cao hơn, ngoại trừ một số loài vi sinh vật, được đánh giá là có khả năng tăng về số lượng cũng như chủng loại.

Tuy nhiên, việc gia tăng những sinh vật phù du nhỏ nhất không đồng nghĩa với gia tăng số lượng loài cá nhỏ. Điều này có nghĩa là những loài cá lớn hơn sẽ khó tìm đủ nguồn thức ăn (cá nhỏ) để tồn tại, dẫn tới tình trạng đứt đoạn trong chuỗi cung ứng thức ăn của đại dương. 
Ngoài ra, các sinh vật biển khác như hàu, trai và rạn san hô cũng bị ảnh hưởng từ tình trạng khí hậu toàn cầu đang ấm lên, từ đây cũng sẽ đe dọa môi trường sống của các loài cá.

Nguồn TTXVN / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua