Biến đổi khí hậu đẩy thêm 100 triệu người vào cảnh đói nghèo trong vòng 25 năm tới

Trong một báo cáo công bố ngày 8−11, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: Hiện tượng Trái Đất ấm lên đã làm gia tăng nguy cơ gây bệnh, mất mùa và sẽ đẩy thêm khoảng 100 triệu người vào cảnh đói nghèo

Biến đổi khí hậu sẽ đẩy thêm 100 triệu người vào cảnh đói nghèo trong vòng 25 năm tới nếu không có nỗ lực giảm lượng khí thải 

Ngân hàng Thế giới cho biết, nếu thế giới không nhanh chóng nỗ lực giảm lượng khí thải để bảo vệ người nghèo thì vào năm 2030, số người “đáng thương” này sẽ tăng thêm hơn 100 triệu người.

Tổ chức này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần thiết phải có hành động mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP 21), dự kiến diễn ra từ ngày 30−11 đến ngày 11−12 tới tại Paris, Pháp.

Theo Ngân hàng Thế giới, tình trạng biến đổi khí hậu đang cản trở những nỗ lực giảm đói nghèo và những người nghèo cùng cực là đối tượng phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan như nền nhiệt tăng, hạn hán và lũ lụt. Lý do là bởi cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào đất canh tác và môi trường sống là tại các khu vực thiếu nhiều dịch vụ công cơ bản.

Báo cáo cho biết, những người nghèo dễ bị tổn thương hơn trước những biến đổi liên quan đến khí hậu hơn người giàu vì họ dễ bị phơi nhiễm hơn, mất nhiều hơn các điều kiện liên quan, thiếu các hệ thống tài chính và mạng lưới an sinh xã hội, những yếu tố cho phép họ chuẩn bị và đối phó tốt hơn.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra một vài dự báo trước tình trạng biến đổi khí hậu đến năm 2030 như: Sản lượng thu hoạch giảm 5% vào năm 2030 và 30% vào năm 2080; 150 triệu người có thể có nguy cơ mắc bệnh sốt rét và dịch tả; giá thực phẩm tại châu Phi sẽ tăng 12%. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu cũng khiến làn sóng người nghèo cùng cực di cư đến những nước có điều kiện khí hậu tốt hơn, kéo theo việc mở rộng các dịch vụ xã hội mới.

Tóm lại, các chính phủ và các nền kinh tế trên thế giới sẽ bị đặt trước các thách thức về biến đổi khí hậu và nhu cầu phải đưa ra chính sách đối phó phù hợp. Cùng với nó là nỗ lực nhiều hơn để giảm khí thải CO2 − nguyên nhân chính gây hiện tượng thời tiết ấm lên.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho biết, báo cáo đã gửi đến thông điệp rõ ràng rằng tình trạng đói nghèo sẽ không thể giảm trừ khi chúng ta hành động mạnh mẽ hơn để giảm mối đe dọa từ biến đổi khí hậu đối với người nghèo và giảm đáng kể lượng khí thải độc hại. Ông cho biết thêm, biến đổi khí hậu đang có tác động nặng nề nhất đến những người nghèo nhất và thách thức của chúng ta hiện nay là phải bảo vệ hàng chục triệu người để họ không bị rơi vào cảnh nghèo cùng cực.

Trước đó, ngày 6−11, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo cam kết cắt giảm lượng khí thải CO2 của các quốc gia không đủ để ngăn chặn tình trạng Trái Đất ấm lên. Do vậy, những cam kết mạnh mẽ hơn rất cần được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Theo TTXVN

 

Đừng bỏ qua