Nhiều bí quyết truyền miệng, mẹo vặt nội trợ được đúc kết dựa trên kinh nghiệm cá nhân, mang tính chất truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng không phải bí quyết nào cũng hoàn toàn đúng. Đặc biệt là khi chất lượng thực phẩm ngày nay rất khác so với trước kia. Khi công nghệ và khoa học phát triển, chúng ta có cơ hội được tiếp cận với nhiều thông tin chính xác hơn và hiểu rõ hơn về những bí quyết này. Hãy cùng TTGĐ tìm hiểu thực hư về những bí quyết nội trợ được lan truyền và áp dụng rộng rãi bấy lâu nay.
Ngâm rau củ với nước muối – Bí quyết truyền miệng được nhiều người áp dụng nhất
Một trong những phương pháp làm sạch rau củ được nhiều người áp dụng nhất là ngâm với nước muối. Nhưng nước muối gần như vô tác dụng trong việc loại bỏ thuốc
trừ sâu và hóa chất. Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), đến nay chưa có một dung dịch nào có thể loại trừ hoàn toàn thuốc trừ sâu và hóa chất trên rau củ.
Thậm chí, ngâm rau củ trong nước muối quá đặc còn khiến chúng dễ nát, mất chất dinh dưỡng. Nước muối có nồng độ càng cao, hóa chất càng khó tan.
Cách rửa rau đúng cách là ngâm với nước lạnh. Sau đó rửa từng lá, cọng rau dưới vòi nước đang chảy để bụi bẩn, hóa chất trôi đi. Bạn nên rửa lần lượt từng loại và để cách xa riêng biệt; tránh chất bẩn văng qua rau củ đã được rửa sạch. Không rửa chung tất cả để rau củ tránh bị dập nát.
Rửa thịt/chần thịt trước khi chế biến
Chần thịt qua nước sôi trước khi chế biến là bí quyết truyền miệng phổ biến để loại bỏ bụi bẩn trong thịt. Đây cũng là một trong những bí quyết truyền miệng được rất nhiều gia đình áp dụng. Tuy nhiên, theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), phương pháp này khiến thịt bị co lại. Protein trên bề mặt thịt bị vón cục. Các chất bẩn bên trong không trôi ra được.
Theo nghiên cứu từ USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ), rửa thịt dưới vòi nước có thể khiến vi khuẩn văng, bắn ra các thực phẩm như rau sống, hoa quả và bề mặt xung quanh. Khi bị dính nước rửa thịt trong một thời gian dài, chúng sẽ sản sinh ra vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.
Cách xử lý thịt đúng cách là rửa thịt bằng nước sạch nhiều lần. Sau đó, bạn cho thịt vào nước lạnh và đun sôi từ từ. Nhiệt độ nóng đều trong thịt sẽ khiến các tạp chất, bụi bẩn bị đẩy ra ngoài. Lưu ý, khi rửa thịt xong, bạn nên vệ sinh sạch các bề mặt xung quanh để tránh vi khuẩn bám dính.
Kiêng khem những món “nóng” trong người
Chắc hẳn lúc nhỏ bạn đã từng bị người lớn “quở” rằng không được ăn món “nóng”. Bởi chúng sẽ gây nóng trong người, dễ nổi mụn và bị bệnh. Theo y học cổ truyền, thực phẩm được chia thành 4 tính chất: hàn, lương, ôn và nhiệt. Thực phẩm có tính nhiệt được cho là những món ăn vào tạo cảm giác nóng và khô; như các loại thịt đỏ, gia vị (gừng, tỏi, ớt), trái cây có vị ngọt (nhãn, sầu riêng, vải…). Thực phẩm có tính hàn là những món mang lại cảm giác mát và cung cấp nước cho cơ thể, như các loại rau xanh và hải sản. Tuy vậy, thực phẩm có tính nhiệt chưa hẳn gây nóng. Bởi cơ thể mỗi người có tính hàn, nhiệt khác nhau. Do đó, bạn không nên bó buộc khẩu vị của mình bằng cách kiêng khem những món “nóng”. Bạn nên tuân theo chế độ ăn đầ y đủ dinh dưỡng, hài hòa giữa các món hàn, lương, ôn và nhiệt.
Tiếp Thị Gia Đình