Chung cư HH4 Linh Đàm, nơi xảy ra cháy nổ sáng 16−9
Chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, đã xảy ra hàng chục vụ cháy nhà chung cư, nhà cao tầng, chủ yếu ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. HCM.
Vụ cháy nổ chung cư gần đây nhất xảy ra vào lúc gần 11 giờ sáng nay tại nhà HH4, khu đô thị Linh Đàm, Q. Hoàng Mai, Hà Nôi. Nhiều người lớn và trẻ nhỏ đã bị mắc kẹt trong đám cháy.
Theo những người dân sống tại khu chung cư HH4, khoảng 10 giờ sáng, họ bất ngờ ngửi thấy mùi khét. Khi chạy ra ngoài, họ phát hiện thấy khói bốc lên theo hộp kỹ thuật ở các tầng trên cùng. Điểm cháy ban đầu được xác định bắt nguồn từ tầng 17, sau đó cháy theo đường dây điện, khói bốc lên các tầng cao hơn.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an quận Hoàng Mai đã huy động 4 xe cứu hỏa, xe thang cùng nhiều chiến sỹ cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đến hiện trường để dập tắt vụ cháy. Tới 13 giờ cùng ngày, lực lượng cứu hộ cho biết họ đã giải cứu được 25 người, hướng dẫn thoát nạn 43 người. Đặc biệt trong số này có 1 nạn nhân bị tai biến, 1 phụ nữ mang bầu và 2 trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không có ai bị ngạt khói.
Có thể nói nhà chung cư, cao tầng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, gây nhiều thiệt hại lớn về người và của. Việc tập trung đông người cùng chung sống trên một diện tích xây dựng tương đối hẹp và ở độ cao như các khu chung cư, nhà cao tầng cũng góp phần gây khó khăn cho việc thoát hiểm của cư dân và làm hạn chế khả năng tiếp cận của các phương tiện cứu hỏa, cứu nạn.
Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố cháy nổ, nhiều người dân lại tỏ ra mất bình tĩnh, hoảng loạn và thiếu kinh nghiệm ứng phó. Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và đào tạo huấn luyện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ – Sở Cảnh sát Phòng cháy & Chữa cháy thành phố Hà Nội hướng dẫn bạn cách thoát hiểm khỏi chung cư bị cháy như sau.
Các bước xử lý tình huống hỏa hoạn
Bước 1: Chuẩn bị
Bạn cần tự trang bị cho mình các kiến thức và kỹ năng cần thiết để thoát hiểm, đề phòng sự cố cháy nổ xảy ra. Ngoài ra, bạn cũng cần phải để ý các thiết bị phòng cháy, chữa cháy mỗi khi bước vào các tòa nhà.
Bước 2: Xử lý tình huống
Trong trường hợp không may xảy ra sự cố cháy nổ, bạn cần phải thật bình tĩnh suy xét và xử lý tình huống, tuyệt đối không nên hoảng loạn.
Trước khi mở cửa ra ngoài căn hộ, hãy kiểm tra nhiệt độ bằng cách hơ lòng bàn tay lên bề mặt cửa hoặc tay nắm. Nếu cảm thấy nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không nên mở cửa.
Gọi điện thoại cho đội cứu hỏa (114) hoặc cấp cứu (115) để thông báo cho họ biết nếu bạn không thể ra ngoài. Nếu khói lùa vào phòng qua khe cửa, hãy dùng giẻ ướt chèn chặt và di chuyển sang phòng khác hoặc ban công, cửa sổ thoáng khí và gọi to, dùng quần áo sáng màu vẫy người ở bên dưới để ứng cứu.
Khi đám cháy và khói đã lan tới hành lang trước phòng bạn, hãy ở yên trong phòng. Mở tất cả các cửa sổ có thể. Dùng vải tẩm ướt bịt mũi và miệng lại. Chèn giẻ ướt vào các khe cửa để ngăn khói tràn vào.
Chỉ trèo ra khỏi cửa sổ và nhảy ra ngoài nếu an toàn. Nếu ở tầng 1, bạn có thể nhảy ra ngoài ngay. Tuy nhiên, nếu bạn ở tầng cao, hãy cố gắng ngăn khói vào phòng và đợi cứu hộ.
Trong trường hợp đám cháy chưa lan đến hành lang tầng bạn đang ở, hãy chạy ra phía cửa thoát hiểm gần nhất. Lưu ý là chỉ thoát hiểm bằng cầu thang bộ, tuyệt đối không thoát hiểm bằng thang máy. Đóng chặt cửa phòng bạn đang ở lại để ngăn khói trong trường hợp bạn không chạy được và phải quay lại phòng.
Nếu phải băng qua lửa để đến điểm an toàn hơn, hoặc phải ứng cứu người thân mắc kẹt, hãy làm ướt quần áo, dùng chăn hay áo chất liệu cotton nhúng nước rồi trùm lên đầu. Khi di chuyển trong phòng, hành lang có nhiều khói, hãy bò thấp hoặc đi khom người vì nồng độ ô-xy phía dưới nhiều hơn.
Bước 3: Kiểm tra sức khỏe sau khi thoát khỏi đám cháy.
Hãy đi kiểm tra sức khỏe khi bạn không bị thương để chắc chắn rằng bạn không sao.
Tiếp Thị Gia Đình