Vài năm trở lại đây, hàng loạt các trung tâm hội nghị tiệc cưới ra đời. Điều đó cho thấy thị trường kinh doanh nhà hàng tiệc cưới đang là “miếng bánh” hấp dẫn. Thu hút nhiều nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp trong nước lẫn Việt kiều. Năm 2014, Hiệp hội Các nhà tư vấn tổ chức tiệc cưới (ABC) Việt Nam tiến hành khảo sát. 4 thành phố lớn Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ về dịch vụ cưới. Tổng doanh thu về dịch vụ cưới tại các thành phố lớn này đã lên đến 5 tỷ đô-la Mỹ. Trong đó, nhà hàng và trung tâm tiệc cưới chiếm 50%.
Nếu bạn đang ấp ủ dự định kinh doanh nhà hàng tiệc cưới. Sẽ có rất nhiều vấn đề để giải quyết. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết, TTGĐ sẽ đưa ra 5 điểm mấu chốt cần lưu tâm nhất.
Trang bị kiến thức về kinh doanh nhà hàng
Để có thể làm việc ở bất kỳ lĩnh vực nào, bạn cần phải có kiến thức về lĩnh vực đó. Vào vị trí nhà đầu tư và điều hành nhà hàng tiệc cưới. Bạn càng phải biết nhiều thứ bao quát hơn cũng như chi tiết hơn. Bạn đóng vai trò quan trọng trong mọi khâu. Chính vì thế, không có chuyên môn, kinh nghiệm hay kiến thức ở lĩnh vực nhà hàng – khách sạn (hospitality), bạn sẽ gặp rắc rối. Nếu muốn kinh doanh nhà hàng tiệc cưới, bước đầu tiên hãy dành thời gian trang bị kiến thức cho bản thân, càng sớm càng tốt.
Công việc kinh doanh nhà hàng tiệc cưới không chỉ đòi hỏi ở bạn kiến thức sâu rộng về mọi mặt. Mà còn lòng say mê, khả năng tương tác làm việc giữa con người với con người. Thêm vào đó, kiến thức về tài chính, marketing, tiếp thị cũng hỗ trợ bạn trong việc quản lý, quảng bá địa điểm. Bạn hoàn toàn có thể thuê người quản lý có chuyên môn, nhưng hãy luôn sẵn sàng tinh thần chiến đấu.
Bởi kinh doanh nhà hàng tiệc cưới mang tính đột biến cao, lượng khách đặt tiệc tùy theo mùa, có khi ít nhưng có lúc quá tải, đòi hỏi người quản lý phải linh hoạt trong điều hành.
Khi kinh doanh nhà hàng tiệc cưới, mất vài tháng đến một năm sau khi mở cửa. Đây là thời gian đệm để khách hàng làm quen với một địa điểm tổ chức tiệc mới. Thế nên đừng hy vọng khách sẽ đến nườm nượp. Và bạn sẽ thu hồi vốn ngay trong vài tháng đầu!
Huy động tài chính cần thiết
Thực tế rất khó có thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi: “Cần bao nhiêu vốn để mở nhà hàng?”. Bởi số vốn này tùy thuộc vào quy mô, địa điểm, hình thức kinh doanh… Bạn sẽ phải tính toán trước ít nhất hai khoản: chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành sau khai trương.
Với chi phí đầu tư ban đầu, bạn phải lập một bảng danh sách gồm tiền đặt cọc mặt bằng; chi phí xây dựng, tu sửa và thiết kế; đồ đạc, trang thiết bị và đồ dùng trang trí; chi phí thành lập và tư vấn pháp luật, quảng cáo/PR bước đầu, vốn lưu động phòng rủi ro…
Sau khai trương, bạn nên dành một khoản vốn nhất định đủ để chi trả lương và mặt bằng trong 3 đến 6 tháng khi nhà hàng đã đi vào hoạt động ổn định. Nguồn kinh phí này được xem là bù lỗ, giúp duy trì nhà hàng đến khi công việc kinh doanh khởi sắc.
Phân khúc khách hàng mục tiêu
Nghiên cứu kỹ lưỡng phân khúc khách hàng là công việc hết sức cần thiết và cũng là bí quyết thành công của các nhà kinh doanh ngành này. Khách hàng xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội với trình độ văn hóa, thu nhập và điều kiện kinh tế khác nhau. Trên thị trường hiện có rất nhiều trung tâm tiệc cưới từ cấp độ bình dân đến cao cấp để đáp ứng đúng nhu cầu đúng đối tượng.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt này, bạn buộc phải xác định phân khúc khách hàng mục tiêu. Để từ đó, bạn mới biết đối thủ thực sự của bạn là ai trong cuộc đua này. “Phần thưởng” sẽ dành cho những nhà hàng đáp ứng tốt nhất, hoặc ngoài sự mong đợi các nhu cầu của khách hàng. Trong trường hợp bạn có tham vọng muốn mở một nhà hàng “chiều” mọi phân khúc,
e rằng rất nan giải.
Không có một nhà hàng nào hấp dẫn được tất cả mọi người. Là người cung cấp dịch vụ, bạn sẽ “làm dâu trăm họ”, nên hãy cố gắng phân đoạn thị trường, phân tích đặc điểm của khách hàng mục tiêu nhằm phục vụ một cách hiệu quả nhất.
Lựa chọn địa điểm phù hợp kinh doanh nhà hàng tiệc cưới
Như bạn đã từng đến dự các buổi tiệc cưới từ trước đến nay. Một điều bạn không thể phủ nhận rằng diện tích phòng tiệc rất lớn. Một trung tâm tiệc cưới có thể đáp ứng lên đến 10 tiệc cùng một đêm. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ cần một mặt bằng khá lớn để mở một trung tâm tiệc cưới. Tùy vào khả năng kinh tế, bạn sẽ cân nhắc đầu tư mở nhà hàng có diện tích quy mô phù hợp.
Chi phí thuê mặt bằng sẽ là một khoản lớn trong đầu tư ban đầu. Cũng như chi phí hàng tháng về sau. Theo tính toán của một nhà đầu tư, vị trí mặt bằng chiếm đến 50% thành công. Nhiều nhà đầu tư vẫn không thành công ở lĩnh vực kinh doanh tiệc cưới. Dù có nguồn vốn lớn. Lý do đơn giản bởi vì họ không tìm được địa thế đẹp, đông dân cư, giao thông thuận tiện với quỹ đất lớn để xây nhà hàng.
Một số điều lưu ý khác khi chọn địa điểm kinh doanh tuy nhỏ. Nhưng vẫn có thể là điểm cộng trong mắt khách hàng. Đó chính là chỗ để xe đủ đáp ứng những lúc cao điểm. Sảnh chờ đón khách rộng rãi và không gian linh động tùy theo tính chất tiệc cũng số lượng khách tham dự.
Phong cách thiết kế và nội thất nhà hàng
Thiết kế cũng là yếu tố góp phần vào sự thành công của kinh doanh nhà hàng tiệc cưới. Cũng như thu hút sự chú ý của khách hàng. Ngày nay, nhà hàng không cần thiết phải thiết kế sẵn nội thất. Phần trang trí cho bữa tiệc sẽ linh động thay đổi tùy vào nhà cung cấp dịch vụ cưới. Hoặc nhà hàng tự sắp đặt theo yêu cầu của khách hàng.
Trong tổng diện tích mặt bằng, bạn cũng cần thiết kế, bố trí hợp lý. Gồm khu chế biến, khu bếp, khu trữ hàng, khu văn phòng và khu dành cho khách. Thông thường, tỷ lệ khu vực phòng tiệc dành cho khách chiếm khoảng 60% diện tích nhà hàng. 30% dành cho khu chế biến, phần còn lại là kho trữ hàng và khu văn phòng điều hành.
Bài: A.V
Tiếp Thị Gia Đình