Bí quyết giúp bạn vững tài chính sau ly hôn

Quyết định chia tay đường ai nấy đi sẽ kéo theo nhiều vấn đề và việc hoạch định tài chính sau ly hôn là vô cùng quan trọng

Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân Rosemary Frank nhận định: “Vết thương lòng sau ly hôn rồi sẽ được chữa lành, song ảnh hưởng tài chính từ những quyết định kém cỏi hoặc thiếu hiểu biết có thể kéo dài suốt đời”. Vậy việc hoạch định tài chính sau ly hôn nên làm thế nào cho ổn thỏa? Mời bạn cùng xem qua hai trường hợp mà Tiếp Thị Gia Đình đã ghi nhận và tham khảo lời khuyên của chuyên gia.

CĂN NHÀ VÀ CÔNG VIỆC

20151103-hoach-dinh-tai-chinh-sau-ly-hon-03

Hoạch định tài chính sau ly hôn là bước quan trọng để ổn định cuộc sống

Có công việc ổn định với mức lương khá cao, thế nhưng khi quyết định ly hôn, chị Thu Hằng, ở quận Bình Thạnh, TP. HCM, vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Chị chia sẻ: “Vấn đề khiến tôi đau đầu nhất chính là căn hộ. Cả tôi và chồng đều không có khả năng đưa cho người kia một số tiền để giành quyền giữ căn nhà. Ngoài ra, chúng tôi còn nợ ngân hàng tiền vay mua căn hộ”.
Ngoài ra, chị Thu Hằng còn phải đắn đo suy tính về công việc. Công việc hiện tại của chị có mức lương khá cao nhưng giờ giấc không ổn định, chị thường xuyên phải đi công tác. Nếu tiếp tục công việc này, chị sẽ không có thời gian đưa đón, chăm sóc và dạy dỗ con. Vì lẽ đó, chị cho rằng mình cần tìm công việc có tính chất tự do hơn, nhưng lựa chọn đó đồng nghĩa với thu nhập có thể bị sụt giảm.

Chuyên gia tư vấn: Vấn đề cần giải quyết trước tiên là việc phân chia căn nhà hai bạn đang cùng sở hữu. Phương án tối ưu là bán căn nhà để có tiền trả nợ ngân hàng. Sau khi chia phần với chồng, bạn có thể tìm mua một căn hộ khác thuộc chương trình ưu đãi như gói vay 30.000 tỷ đồng (trả trước khoảng 30%, số còn lại trả góp trong 10–15 năm với lãi suất ưu đãi).

Vấn đề lưu tâm thứ hai là thu nhập hàng tháng của bạn. Bạn cần liệt kê chi tiết các khoản chi như: sinh hoạt phí, thực phẩm, điện nước, học phí… và các khoản thu nhập thêm (nếu có). Nếu bạn thay đổi công việc, thu nhập bị giảm xuống thì sẽ gây nhiều áp lực lên cuộc sống của hai mẹ con. Trong trường hợp này, bạn có thể trao đổi với lãnh đạo công ty, cho họ biết tình hình thực tế của mình và cùng tìm hướng giải quyết. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm sự giúp đỡ từ người thân trong gia đình để nhờ trông nom con.

SAI MỘT LI ĐI MỘT DẶM

20151103-hoach-dinh-tai-chinh-sau-ly-hon-02Chị Thảo Trang và chồng có điều kiện kinh tế khá tốt: nhà phố ở quận trung tâm của TP. HCM, con đi học trường quốc tế. Trước đây, chồng chị làm ăn thuận lợi nên hầu như chị không phải lo về tiền bạc. Tuy nhiên, cuộc đời không mãi là màu hồng. Khi hai người quyết định ly hôn thì cũng là lúc anh đang gặp vấn đề về tài chính.

Chị bộc bạch: “Khi ly hôn, chồng tôi chấp nhận giao toàn bộ căn nhà cho tôi xem như phần đóng góp để nuôi con. Vì còn nợ ngân hàng vài trăm triệu đồng tiền vay mua nhà trước đây nên tôi đi đến một quyết định có vẻ an toàn nhất là bán nhà để có tiền trả nợ, sau đó mua một căn hộ chung cư. Thế nhưng, sau khi dọn về căn hộ tôi mới nhận ra mình đã có sai sót trong tính toán. Tổng số tiền phải chi trả cho căn hộ, bao gồm việc sửa chữa một số hạng mục, cao hơn mức tôi dự tính và để có thể thanh toán hết cho chủ cũ, tôi đành phải vay nóng bên ngoài với số tiền lãi mỗi ngày lên đến hàng triệu đồng. Một vấn đề nữa khiến tôi lo ngại là với thu nhập của mình, tôi e rằng không thể cho con học lâu dài ở trường quốc tế”.

Chuyên gia tư vấn: Hoạch định tài chính sau ly hôn cần cân nhắc đến việc loại bỏ những thói quen tiêu dùng cũ nhằm thích ứng với điều kiện mới. Bạn Thảo Trang chọn bán nhà mặt phố có giá cao để mua một căn hộ chung cư là hợp lý. Tuy nhiên, lẽ ra bạn nên dự phòng từ 10–15% giá trị căn hộ cho những chi phí phát sinh. Trong trường hợp không có được sự giúp đỡ của người thân, bạn nên dùng căn hộ thế chấp ngân hàng để nhanh chóng trả nợ vay nóng bên ngoài.
Vấn đề thứ hai là bạn chỉ nên tiếp tục cho con học trường quốc tế nếu khoản chi cho học phí chiếm không quá 20% tổng thu nhập của bạn. Theo tôi, bạn nên chuyển trường cho con, có thể thuê gia sư về kèm để giúp cháu theo kịp chương trình.

TÍCH TIỂU THÀNH ĐẠI

20151103-hoach-dinh-tai-chinh-sau-ly-hon-04Chị Hải Thiên, quê Long An, chia sẻ về những tháng ngày sau ly hôn, khi chị bắt đầu lại tất cả với đôi bàn tay trắng: “Sau nhiều ngày cân nhắc, tôi chọn giải pháp gửi con trai hơn một tuổi về quê cho ông bà chăm sóc, còn mình ở lại Sài Gòn thuê nhà cùng cô bạn thân với quyết tâm đạt được sự ổn định về kinh tế. Hàng tháng, tôi trích 50% lương gửi về cho con, còn lại dành cho tiền thuê nhà, sinh hoạt phí và chi phí đi lại. Nhận thấy mức lương đó không thể đảm bảo cuộc sống và tích lũy cho tương lai, tôi quyết định tìm một công việc khác. Qua hai lần thay đổi, cuối cùng tôi đạt mức lương gấp ba lần trước kia”.

Sau một năm tích lũy và nhờ sự trợ giúp của người thân, chị Thiên đã có thể mua trả góp một căn hộ nhỏ ở quận Bình Tân, TP. HCM. Giờ đây chị đang chuẩn bị đón con trai từ quê lên ở cùng.

BÍ QUYẾT QUẢN LÝ TÀI CHÍNH SAU LY HÔN

20151103-hoach-dinh-tai-chinh-sau-ly-hon-01Đối với phụ nữ sau ly hôn, bên cạnh việc ổn định tinh thần, việc hoạch định tài chính cho bản thân và người phụ thuộc đóng vai trò rất lớn trong việc đảm bảo cuộc sống và hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn, khủng hoảng. Nếu không chuẩn bị trước kế hoạch ngân sách thì dù có thu nhập cao, bạn cũng có thể rơi vào những tình huống khó xử lý.

1. Tính toán thu nhập cụ thể của bản thân trong hiện tại: Đối với người phụ nữ tự chủ về tài chính thì việc này khá đơn giản, bạn có thể liệt kê khoản thu nhập hàng tháng và các khoản thu nhập phụ khác. Điều này khá quan trọng vì nó giúp bạn ước lượng được thu nhập trong vòng ba tháng hay một năm tới để chuẩn bị cho tương lai.

Đối với người phụ nữ bị lệ thuộc về kinh tế, mọi thứ có thể sẽ khó khăn hơn. Bạn sẽ phải tìm kiếm một công việc phù hợp khả năng. Việc này có thể sẽ mất thời gian công sức nên việc bạn cần làm là phải tự động viên mình, tận dụng các mối quan hệ cá nhân, gia đình…

2. Liệt kê chi tiết các khoản thu, chi trong năm: Bạn cần ước lượng cụ thể các khoản chi, những khoản trả nợ vay, phí bảo hiểm, tiền học cho con… để bạn biết mình đang bội chi hay bội thu sau mỗi tuần, mỗi tháng mà kịp thời điều chỉnh. Theo đó, bạn nên chia thu nhập hàng tháng ra từng phần nhỏ cho các chi tiêu khác nhau, đặc biệt là bạn nên trích một phần nhỏ để tiết kiệm. Số tiền này thường chiếm từ 10–15% thu nhập hàng tháng và cần được thực hiện hàng tháng. Sau một vài năm, bạn sẽ có một khoản tiền đủ để thực hiện các công việc gia tăng thu nhập như kinh doanh buôn bán nhỏ, đầu tư, làm thêm…

3. Cân nhắc những thói quen tiêu dùng cần loại bỏ: Áp lực tài chính đối với người phụ nữ sau ly hôn là khá lớn, do đó việc quản lý chi tiêu, loại bỏ những thói quen tiêu dùng không cần thiết là rất quan trọng. Việc này cần được thực hiện từng bước. Các chi phí cố định như học phí cho con, tiền thuê nhà (nếu có)… cần được ưu tiên, còn các chi tiêu về thực phẩm, sinh hoạt… có thể phải giảm bớt.

4. Bán bớt các tài sản có giá trị và không cần dùng đến: Điều này giúp bạn có thêm một khoản tiết kiệm.

5. Trau dồi bản thân: Dành thời gian để tham gia các khóa học nhằm nâng cao trình độ, từ đó có thể giúp tăng thu nhập.

Thái Hân

Mục Gia đình – Tài chính / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua