Bí kíp không được quên khi đàm phán thuê mặt bằng

Việc thương lượng, đàm phán thuê mặt bằng để kinh doanh có thành công vui vẻ hay thất bại thảm hại sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự khéo léo của bạn

Chọn được mặt bằng đẹp, đàm phán thuê với giá tốt và các điều khoản dễ chịu có thể quyết định tới 70% thành công trong kinh doanh. Chủ một cửa hàng tại Hà Nội bật mí với bạn đọc TTGĐ 5 bí kíp khi thuê mặt bằng. Hãy đọc và giữ làm vốn kinh doanh cho chính mình, bạn nhé!

shu-338922071 thue mat bang

Với mục đích thuê mặt bằng đặt xưởng chế biến và bán các sản phẩm đồ ăn và uống của gia đình, chị T.H (Hà Nội) cần tìm mặt bằng nằm ở đường lớn, ô tô xe máy có thể lưu thông hai chiều, có vỉa hè cho khách để xe.

Sau thời gian dài tìm kiếm, chị cũng chọn được một không gian phù hợp. Đó là một ngôi nhà hai tầng, diện tích sử dụng khoảng 50m2, tại phố Khâm Thiên, Hà Nội, với mức giá thuê là 20 triệu đồng/tháng, phù hợp với ngân sách của chị. Để đàm phán thành công, chị đã thực hiện các bước sau:

1. Tạo dựng niềm tin

Không hẳn cứ có tiền là bạn sẽ thuê được căn nhà đang rao cho thuê. Lý do là nhiều chủ nhà sẽ không đồng ý ngồi xuống đàm phán, cho bạn thuê chỉ vì khi tiếp xúc với bạn, họ không yên tâm bạn sẽ bảo quản căn nhà tốt như họ mong muốn. Vì vậy, ấn tượng ban đầu của bạn đối với chủ nhà là vô cùng quan trọng.
Trong lần đầu tiên đi gặp chủ nhà, đặc biệt là với chủ nhà lớn tuổi, bạn cần chuẩn bị trang phục gọn gàng, tác phong lịch sự. Nếu có thể, bạn nên đi cùng với người trong gia đình hoặc người kinh doanh cùng bạn, để tạo cho chủ nhà cảm giác tin cậy. Với kinh nghiệm của riêng chị T.H, khi đi gặp chủ nhà, chị còn mang theo một số loại bánh và nước mình sẽ kinh doanh để giới thiệu qua về sản phẩm và nói về một vài dự định mình sẽ triển khai nếu thuê được mặt bằng. Như vậy, chủ nhà cũng sẽ yên tâm và tin tưởng chúng ta hơn.
Khi hai bên cảm thấy thoải mái, việc đàm phán thuê nhà cũng sẽ diễn ra dễ dàng hơn.

2. Đừng vội đồng ý ngay

Sau khi gặp chủ nhà, dù đã ưng ý 100% với vị trí, mức giá, điều khoản đề ra, bạn cũng đừng vội gật đầu, hãy nói chủ nhà: “Tôi cần một chút thời gian để cân nhắc và suy nghĩ các điều khoản thật kỹ trước khi quyết định”. Nếu bạn hào hứng chấp nhận ngay lập tức mức giá, điều khoản của chủ nhà đưa ra, họ sẽ có cảm giác như mình đang đưa ra một mức giá quá hời, bạn mới dễ dàng chấp nhận như vậy.

Từ đó, họ có thể nảy sinh tâm lý sẽ khắt khe với một số điều khoản khác. Nếu sợ bị người khác thuê mất, sau khi tạm biệt chủ nhà, bạn có thể gọi điện thoại để nói đồng ý thuê cũng chưa muộn.

shu-85380424 thue mat bang

3. Gió chiều nào, che chiều ấy

Cuộc thương lượng nào cũng cần sự linh hoạt khi xử lý tình huống. Có thể trước khi gặp chủ nhà, bạn muốn vài điều có lợi cho mình như: đề nghị giảm 10% giá thuê trong 3 tháng đầu, yêu cầu được hỗ trợ chi phí sửa chữa. Song nếu chủ nhà kiên quyết không thỏa hiệp các điều kiện bạn đề ra, trong khi bạn cảm thấy mặt bằng này đã phù hợp với mình, bạn có thể thay đổi các ý định ban đầu để phù hợp với tình hình thực tế. Đó cũng là cách đảm bảo quyền lợi của mình khi thuê nhà.

4. Xài chiêu kể khổ

Không có mặt bằng nào hoàn hảo 100% với bạn. Vì vậy, hãy thử tìm vài điểm chưa như ý, ví dụ: đường điện quá yếu, tôi cần phải nâng cấp để phục vụ cho xưởng sản xuất; trần nhà có vết thủng; vòi nước rò rỉ… thuyết phục để thương lượng giảm tiền thuê trong những tháng đầu. Nếu chủ nhà nhận sửa, bạn nên có thỏa thuận bằng văn bản về các hạng mục này.

5. Thận trọng khi ký hợp đồng

Ký hợp đồng là bước cuối cùng nhưng đặc biệt quan trọng khi thuê mặt bằng. Bạn cần đọc kỹ và hiểu rõ mọi điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt ghi thật chính xác chi tiết diện tích, giá cả, tiền cọc, thời gian thuê, ngày bàn giao, thỏa thuận khoản tăng giá hàng năm, tình trạng mặt bằng lúc bàn giao, các khoản phạt nếu vi phạm hợp đồng.
Trước khi đặt bút ký hợp đồng, bạn vẫn có quyền thương lượng những điều khoản mình chưa hài lòng. Để đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng và tránh trường hợp chủ nhà hủy hợp đồng giữa chừng trong thời gian cho thuê, bạn nên công chứng hợp đồng tại phòng công chứng. Nếu không hiểu kỹ về luật pháp, bạn nên nhờ những người có kinh nghiệm hoặc luật sư tư vấn với những chi tiết chưa rõ ràng.

CLB Khởi Nghiệp Gia Đình – Form đăng ký Khởi nghiệp nhí

BÀI: LỆ THỦY
Tiếp Thị GIa Đình

Đừng bỏ qua