Bếp gas gây ô nhiễm không khí trong nhà cao gấp 5 lần ngoài trời

Bếp gas không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người mà còn khiến không khí trong nhà ô nhiễm gấp 5 lần so với ngoài trời

bếp gas gây ô nhiễm không khí trong nhà

Bếp gas gây ô nhiễm không khí trong nhà có thể cao đến mức bất hợp pháp ở Mỹ, tương đương với mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời (Ảnh: Shutterstock)

Bếp gas gây ô nhiễm không khí trong nhà gấp 5 lần ngoài trời

Viện Rocky Mountain và nhiều nhóm vận động môi trường ở Mỹ đã thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của các bếp sử dụng nhiên liệu hoá thạch đến môi trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bếp gas gây ô nhiễm không khí trong nhà cao từ 2 – 5 lần so với không khí ở ngoài trời.

Theo nghiên cứu, khoảng 1/3 các hộ gia đình Mỹ nấu ăn chủ yếu bằng khí đốt – loại khí thải ra nitơ điôxit (NO2) và cacbon monoxit (CO). Các loại bếp lò sử dụng năng lượng hoá thạch này còn gây ô nhiễm dạng hạt. Đặc biệt, bếp gas cũ, ít được bảo trì, vệ sinh thường xuyên còn gây ô nhiễm nhiều hơn. Bao gồm cả rủi ro từ khí cacbon monoxit. Loại khí này gây nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau ngực…

Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất từ việc bếp gas gây ô nhiễm không khí. Tiếp xúc với khí NO2 trong thời gian ngắn cũng có thể tăng nguy cơ bị bệnh hen suyễn. Khí NO2 còn khiến cho tình trạng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tồi tệ hơn. Ngoài ra, nó còn liên quan đến các vấn đề về tim, tiểu đường và ung thư.

Giải pháp nào để giảm ô nhiễm không khí?

Theo ý kiến của Bác sĩ Robert Gould, phó giáo sư công tác tại trường Đại học Y khoa San Francisco (Mỹ), giải pháp tốt nhất là chuyển sang dùng bếp điện. Tuy vậy, điều này thật khó để thực hiện. Bởi bếp gas từ lâu đã trở thành vật dụng quen thuộc, thiết yếu trong mỗi hộ gia đình. Nhờ sự tiện lợi trong nấu nướng, không kén nồi, chảo, dễ dàng sử dụng và tiết kiệm về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, chất lượng của món ăn đều ngon hơn khi được nấu bằng bếp ga.

Do đó, để giảm việc bếp gas gây ô nhiễm không khí trong nhà, bạn nên mở cửa sổ, vặn lửa vừa với nồi khi nấu nướng. Kết hợp với sử dụng máy hút khói, mở máy lọc không khí có màng lọc khí HEPA. Hoặc nếu có điều kiện hơn, bạn có thể lắp đặt máy dò cacbon monoxit.

Tiến sĩ Robert Gould, nhà bệnh lý học tại California cho biết, đối tượng chịu tác động của ô nhiễm không khí trong nhà tại Mỹ nhiều nhất là người nghèo và người da màu. Vì họ thường phải tiếp xúc với chì, thủy ngân, đường cao tốc và các nhà máy công nghiệp.

Tiêu chuẩn cho chất lượng không khí trong nhà vẫn chưa được thiết lập. Và hiện ở Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về tác hại của bếp gas gây ô nhiễm không khí trong nhà. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thận trọng để bảo vệ sức khoẻ cả gia đình. Đặc biệt là trẻ nhỏ – đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Tiếp Thị Gia Đình

Theo: The Guardian

>> Xem thêm: TRANG TRÍ NHÀ CỬA VỚI 4 LOẠI CÂY CHỮA BỆNH DỄ TRỒNG

Đừng bỏ qua