Bệnh viêm đa khớp dạng thấp: Những điều cần biết

Tuy viêm đa khớp dạng thấp ít gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân nhưng lại làm giảm chất lượng của cuộc sống

Phụ nữ ở tuổi trung niên (30 – 50 tuổi) thường gặp bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Đây là một bệnh khớp tự miễn có diễn biến mạn tính với các biểu hiện bệnh toàn thân, tại khớp và ngoài khớp ở nhiều mức độ khác nhau. Cơ chế bệnh sinh phức tạp. Có tình trạng viêm không đặc hiệu màng hoạt dịch khớp, quá trình này kéo dài, không chấm dứt đi từ khớp này sang khớp khác, dù tác nhân gây bệnh ban đầu đã chấm dứt từ lâu. Đây là bệnh thường gặp, chiếm 0,5 – 2% dân số. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh này nhé.

DIỄN BIẾN CỦA BỆNH

viem da khop dang thap hinh anh 2

Bệnh viêm đa khớp dạng thấp có diễn biến kéo dài nhiều năm, phần lớn tiến triển tăng dần. Bệnh nặng lên khi bị nhiễm khuẩn, lạnh, chấn thương, phẫu thuật. Có 4 giai đoạn bệnh theo chức năng vận động và trên X-quang.

♣ Giai đoạn 1: X-quang chưa có thay đổi, chức năng vận động gần như bình thường.

♣ Giai đoạn 2: X-quang có hình khuyết xương và khe khớp hẹp. Vận động hạn chế, tay còn nắm được, đi lại bằng gậy, nạng.

♣ Giai đoạn 3: X-quang có dính khớp một phần. Khả năng vận động còn ít, không đi lại được.

♣ Giai đoạn 4: X-quang có dính khớp và biến dạng trầm trọng. Mất chức năng vận động, tàn phế hoàn toàn sau 10 – 20 năm.

CHẨN ĐOÁN BỆNH

viem da khop dang thap hinh anh 3

Trước khi các dấu hiệu khớp xuất hiện, bệnh nhân có thể có các biểu hiện như sốt nhẹ, gầy sút, mệt mỏi, tê các đầu chi, ra nhiều mồ hôi, rối loạn vận mạch. Sau đây là các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh viêm đa khớp dạng thấp của Hội Thấp khớp học Mỹ:

♠ Có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng hơn một giờ.

♠ Sưng đau trên 6 tuần 3/14 khớp: khớp thứ 2 của 2 ngón trỏ, khớp 2 bàn tay, 2 khớp cổ tay, 2 khuỷu tay, 2 đầu gối, 2 cổ chân, 2 khớp bàn ngón chân.

♠ Sưng đau 1 trong 3 vị trí: khớp thứ 2 ngón trỏ, khớp bàn tay, khớp cổ tay.

♣ Sưng khớp đối xứng.

♠ Có hạt dưới da.

♠ Hình ảnh X-quang điển hình như khuyết bờ xương, hủy sụn khớp, khoảng giữa 2 đầu xương hẹp lại, trục khớp bị lệch.

NHỮNG LƯU Ý KHI ĐIỀU TRỊ VIÊM ĐA KHỚP DẠNG THẤP

Dinh dưỡng:

viem da khop dang thap hinh anh 4

Cần ăn nhiều trái cây tươi, rau tươi và các loại hạt. Ăn thịt bò, thịt gà vừa phải. Ăn nhiều cá, đặc biệt cá biển vì có chứa nhiều a-xít béo omega-3 giúp làm giảm tình trạng viêm của khớp. Cần tránh ăn măng tre, khoai môn, mướp đắng, tôm, cua, ghẹ, không nên uống nước lạnh, nước đá, rượu.

Tập vận động: Sự vận động điều độ giúp các cơ bớt teo, làm tăng trương lực cơ để giảm lực chịu đựng trên các khớp, vừa giúp tăng cường ăn uống nhờ các cơ quan hoạt động tốt.

Sự tập luyện điều độ làm tăng nội tiết tố trong cơ thể, nhất là nội tiết tố tăng trưởng, nội tiết tố tạo ra collagen, nội tiết tố thành lập các protein. Nhờ tập luyện, lưu lượng máu đến vùng bị bệnh tăng, thải nhanh các yếu tố gây viêm, viêm đau giảm 30%.

Thuốc:

viem da khop dang thap hinh anh 5

◊ Cải thiện triệu chứng viêm, giảm đau, tăng vận động: dùng các thuốc kháng viêm không steroid liều thấp nhất như celecoxib, meloxicam hay dùng corticoid ngắn hạn trong lúc chờ thuốc điều trị cơ bản có hiệu lực. Chỉ định khi có đợt viêm tiến triển.

◊ Điều trị cơ bản: Điều trị lâu dài và theo dõi triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng mỗi tháng trong 3 tháng đầu, sau đó mỗi 3 tháng. Thể mới mắc và thể thông thường: dùng methotrexat, cyclosporin… Thể nặng, kháng trị với các thuốc trên: dùng thuốc sinh học như rituximab, etanercept…

Các điều trị phối hợp khác:

viem da khop dang thap hinh anh 6

Trong đợt viêm cấp, để khớp nghỉ ở tư thế cơ năng (bác sỹ sẽ chỉ định từng khớp riêng), tránh kê độn tại khớp. Ngay khi viêm thuyên giảm, bắt đầu tập vận động để chống dính. Tập nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, áp dụng vật lý trị liệu tắm suối khoáng. Khi khớp bị biến dạng, nhiều khớp bị viêm kéo dài do sụn khớp bị phá hư nhiều gây cản trở sinh hoạt nghiêm trọng thì cần phẫu thuật chỉnh hình như cắt xương sửa trục, thay khớp nhân tạo khi có chỉ định.

Bài: Bác sỹ Ngô Văn Tuấn

Mục Sức khỏe − Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua