Bệnh viêm dạ dày: Nguyên tắc ăn uống cần nhớ

Thông thường người bệnh viêm dạ dày được khuyên nên có chế độ ăn uống thanh đạm để giảm kích thích niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, thanh đạm không có nghĩa là làm mất cân bằng dinh dưỡng cần thiết

Dạ dày là cơ quan quan trọng đảm nhận vai trò tiêu hóa, vì vậy với bệnh viêm dạ dày, thói quen và khẩu phần ăn uống càng phải được chú ý và chọn lọc hơn, tránh tình trạng làm bệnh tình tăng nặng.

Nguyên tắc ăn uống cần nhớ với người bệnh viêm dạ dày

Không ăn uống thiếu quy luật

Trước khi nói đến khẩu phần ăn khoa học thì việc có thói quen ăn uống có quy luật cần được đảm bảo, không nên để quá đói hoặc ăn quá no, ăn ít và ăn nhiều bữa là khoa học nhất với người bệnh viêm dạ dày. Đặc biệt là với người lớn tuổi, người có cơ thể suy nhược hoặc chức năng dạ dày bị lão hóa, lời khuyên của các chuyên gia sức khỏe là mỗi ngày nên chia thành 4−5 bữa ăn, mỗi lần chỉ ăn no 6−7 phần là tốt nhất. Ngoài ra, trong thực đơn hằng ngày, cần đảm bảo tỷ lệ thành phần đường, lipit và protein, không nên dung nạp quá nhiều cũng như không để thiếu hụt bất cứ dưỡng chất nào, đồng thời bổ sung các loại vitamin đáp ứng nhu cầu cơ thể cũng là điều cần thiết.

Cai thuốc lá, bia rượu và hạn chế tối đa thức ăn kích thích

Ethanol trong rượu bia có thể dung giải Lipoprotein trên niêm mạc dạ dày, gây ra tổn thương không nhỏ cho niêm mạc. Khi hút thuốc, các chất độc hại trong khói thuốc có thể đi vào dạ dày thông qua khoang miệng, mũi họng…Do đó, với bệnh viêm dạ dày, tốt nhất là cai thuốc lá, rượu bia.

Các thực phẩm có tính kích thích mạnh như ớt, tỏi, tiêu, trà đậm, cà phê, coca…đều tăng nguy cơ làm xung huyết niêm mạc dạ dày, khiến bệnh tình nặng hơn.

Ít ăn thức ăn cứng, quá lạnh hoặc quá nóng

Thức ăn quá lạnh có thể khiến dạ dày co thắt, làm các mạch máu trong niêm mạc co rút lại, bất lợi cho việc điều trị bệnh tình. Thức ăn quá nóng lại trực tiếp làm tổn thương niêm mạc dạ dày, cũng làm cản trở quá trình hồi phục chứng viêm. Ngoài ra, thức ăn quá cứng, thô hay thức ăn nhiều dầu mỡ cũng làm tăng gánh nặng tiêu hóa cho dạ dày, nên hạn chế dùng.

Cần đảm bảo vệ sinh ăn uống

Bệnh viêm dạ dày khiến cơ thể không thể đảm bảo được sức đề kháng cần thiết với các vi khuẩn và độc bệnh, vì vậy việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm càng cần được chú ý hon trong ăn uống. Đặc biệt thức ăn dự trữ trong tủ lạnh hay thức ăn để qua đêm cần được sử dụng khoa học, tránh dung khi đã biến chất để không làm tăng tổn thương cho dạ dày.

Bên cạnh việc giữ cân bằng dinh dưỡng cần thiết, bạn cần kết hợp với việc nghỉ ngơi và luyện tập để hỗ trợ hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài: Lê Phương

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua