Bệnh tự miễn – Căn bệnh “bí hiểm” tồn tại bên trong cơ thể người

Cơ thể mỗi người đều tồn tại hệ thống miễn dịch để chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn và bệnh tật. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu các hệ thống này trở nên rối loạn và dần “phản chủ”?

Ảnh: Shutterstock

Nếu thường theo dõi thị trường âm nhạc Mỹ, chắc chắn bạn đã từng đọc được thông tin về ca sĩ Selena Gomez với căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Một bệnh lý thuộc nhóm bệnh tự miễn. Căn bệnh này đã khiến cô công chúa Disney rơi vào tuyệt vọng vì nghĩ rằng mình có thể sẽ mất đi mạng sống. Ngoài Selena, bệnh tự miễn cũng là nỗi ám ảnh của các ngôi sao hàng đầu như Kathleen Turner, Kelly Clarkson và siêu mẫu Gigi Hadid,…

Bệnh tự miễn là gì?

Bệnh tự miễn là tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch khiến hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động quá mức. Từ đó, sản xuất ra các tự kháng thể tấn công các mô, các cơ quan khoẻ mạnh khác. Những cuộc tấn công này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Nó sẽ làm suy yếu và nguy hiểm hơn là đe dọa đến tính mạng con người.

Theo các nhà khoa học, cứ 12 người thì sẽ có 1 người mắc bệnh. Thậm chí, số lượng phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh tự miễn còn cao hơn bệnh ung thư vú và bệnh lý tim mạch cộng lại trong mỗi năm.

Có bao nhiêu loại bệnh tự miễn?

Bệnh tự miễn là một nhóm bệnh lý bao gồm nhiều bệnh lý khác. Mỗi bệnh sẽ có tỷ lệ và tần suất khác nhau. Theo PubMed Central, bệnh tự miễn có hơn 80 loại. Phổ biến nhất là các bệnh như:

Lupus ban đỏ hệ thống

Đây là một dạng bệnh gây tổn thương nhiều nơi như khớp, da và các cơ quan khác. Các tự kháng thể của những người bị lupus ban đỏ hệ thống thường sẽ không thể phân biệt các mô khỏe mạnh bên trong cơ thể. Vì không nhận biết được nên nó sẽ tấn công và gây ra những tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau. Lứa tuổi thường gặp là từ 15 đến 50 tuổi.

Triệu chứng: mệt mỏi, sốt, rụng tóc, đau khớp, phát ban ở da. Nổi ban hình cánh bướm ở mặt, da nhạy cảm với ánh sáng. Thiếu máu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu bên cạnh các triệu chứng khác đặc trựng của từng cơ quan bị tổn thương như thận, phổi, tim, gan…

Xơ cứng bì

Là tình trạng sản xuất quá nhiều collagen; một dạng protein đóng vai trò chính trong nhiều mô trên cơ thể. Sự tăng sinh collagen này sẽ gây dày cứng da và dẫn đến xơ hóa và làm suy giảm chức năng nội tạng. Xơ cứng da là một dạng bệnh hiếm gặp nhưng lại gây nên ảnh hưởng nặng nề cho cơ thể nên cần phát hiện kịp thời.

Triệu chứng: ngón tay tê buốt và tím tái đặc biệt khi gặp thời tiết lạnh. Da ngón tay khô cứng và khó cầm nắm, móng dễ gãy, da mất đi độ đàn hồi. Đau khớp, viêm khớp, tăng áp phổi, suy tim, suy thận…

Viêm da cơ, viêm đa cơ

Là bệnh tự miễn gây yếu cơ đối xứng hai bên cơ thể. Nó có thể gây khó khăn khi leo cầu thang, ngồi dậy, nâng đồ vật hoặc đưa tay qua đầu. Bệnh nếu chỉ biểu hiện ở cơ thì gọi là viêm đa cơ. Nếu có thêm các tổn thương ở da thì được gọi là bệnh viêm da cơ. Bệnh phổ biến ở người da đen hơn da trắng. Phụ nữ sẽ mắc nhiều hơn và thường trên 20 tuổi. Đặc biệt là từ 45 – 60 tuổi.

Triệu chứng: sụt cân, sốt, đau cơ tự nhiên hay khi sờ nắn. Yếu cơ làm hạn chế vận động. Da xuất hiện các dát màu đỏ tím ở quanh mắt, sẩn màu đỏ tím có bong vảy nhẹ ở các vùng sát xương, rụng tóc. Biến đổi hình thái móng hoặc vôi hóa dưới da…

Viêm mạch tự miễn

Là hiện tượng viêm hệ thống trong các mạch máu do sự tác động của các phức hợp miễn dịch lắng đọng. Từ đó, gây nên tình trạng viêm và biến đổi thành mạch máu. Dẫn đến hạn chế lưu lượng máu và các chất dinh dưỡng quan trọng đến nuôi dưỡng các mô và cơ quan của cơ thể.

Triệu chứng: mệt mỏi, sốt, đau khớp, đau bụng, đau cơ, đau ngực. Ban xuất huyết trên da, loét da, tổn thương phổi, suy tim, suy thận…

Viêm khớp dạng thấp

Bệnh xảy ra do các tự kháng thể tấn công nhầm vào các khớp khỏe mạnh. Nó sẽ gây ảnh hưởng đến các bao hoạt dịch ở khớp, từ đó dẫn đến hủy xương và biến dạng khớp. Bệnh phổ biến ở độ tuổi từ 20 – 40 tuổi. Trong số đó, bệnh nhân nữ nhiều gấp 2-3 lần bệnh nhân nam.

Triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn, sốt, sưng đau khớp, cứng khớp vào buổi sáng. Đặc biệt là xảy ra các khớp nhỏ đối xứng 2 bên như khớp liên đốt ngón bàn tay chân, khớp bàn ngón chân, bàn ngón tay; hoặc biến dạng khớp, mất chức năng của khớp…

Ý kiến bác sĩ chuyên khoa

Bệnh tự miễn là một bệnh mãn tính và cần có thời gian điều trị lâu dài. Để có cái nhìn rõ nét hơn, mời bạn cùng TTGĐ lắng nghe ý kiến từ ThS.BS Trần Thiên Tài – Trưởng Đơn vị Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM

Thưa bác sĩ, bệnh tự miễn xảy ra do những yếu tố nào và căn bệnh này có phổ biến trong xã hội chúng ta hay không?

Có thể nói tỷ lệ bệnh tự miễn đang càng ngày càng gia tăng trong xã hội ngày nay. Cơ chế sinh bệnh của các bệnh lý tự miễn rất phức tạp, nhiều bệnh tự miễn đến nay cơ chế vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, cơ chế chính nói chung là do sự hình thành các tự kháng thể; hoặc các phức hợp miễn dịch lưu hành và lắng đọng. Từ đó tự chống lại các cơ quan của bản thân. Hậu quả là gây tàn phá, tổn thương các cơ quan nội tạng. Cuối cùng là dẫn đến sự suy giảm mất chức nặng và đe dọa tính mạng người bệnh.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có sự liên quan chặt chẽ giữa yếu tố môi trường. Đó là nhiệt độ, ánh nắng, tia UV, vi khuẩn, virus, khí thải công nghiệp và khuyết tật về di truyền. Trong đó sự có mặt của nhóm HLA, nhóm gen DR (DR 2 – 3)…

Những người mang nhóm HLA, DR sẽ dễ mắc phải các trường hợp bệnh tự miễn nào và cơ chế hoạt động của nó ra sao?

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, nhóm gene HLA có liên quan nhiều đến một số bệnh lý tự miễn như nhóm bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Khi mang gene này, cơ thể của chúng ta sẽ dễ bị tương tác bởi các yếu tố môi trường bên ngoài nhiều hơn người bình thường, kết quả là tỷ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn. Ví dụ với bệnh lupus ban đỏ hệ thống, ở chủng tộc người da trắng. Nếu có mang 2 nhóm gen HLA, DR2-3 sẽ có nguy cơ mắc bệnh lupus ban đỏ cao gấp 3 lần so với người không có nhóm gen này.

Làm thế nào để có thể biết được cơ thể chúng ta đang mắc phải căn bệnh tự miễn?

Hiện nay, chẩn đoán các bệnh lý tự miễn chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Tùy vào mỗi bệnh tự miễn khác nhau sẽ có các triệu chứng lâm sàng đặc trưng. Mỗi bệnh tự miễn cũng sẽ có những bộ tiêu chuẩn chẩn đoán riêng. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng thỏa đầy đủ các tiêu chí để chẩn đoán xác định sẽ được kết luận là mắc bệnh.

Vì vậy, chúng ta cần theo dõi sự thay đổi trong cơ thể mình. Nếu có cảm nhận bất thường nào thì bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, theo dõi và điều trị.

Thưa bác sĩ, phác đồ điều trị cho các căn bệnh tự miễn sẽ theo trình tự như thế nào?

Sau quá trình thăm khám cùng với việc thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết; đặc biệt là tiến hành xét nghiệm các tự kháng thể trong máu người bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định người bệnh mắc bệnh lý tự miễn nào để từ đó sẽ đưa ra phác đồ điều trị. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đánh giá mức độ và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời. Có thể nói, sẽ tùy thuộc vào từng loại bệnh tự miễn và mức độ nặng mà sẽ có các thuốc điều trị phù hợp.

Hiện nay, với sự phát triển của y học, chúng ta có thể kiểm soát tình trạng bệnh. Các loại thuốc như corticosteroid, các thuốc ức chế miễn dịch, immunoglobulin (IVIG), thuốc sinh học… sẽ giúp ngăn chặn sự sản xuất các tự kháng thể, ức chế các phản ứng viêm trong cơ thể. Từ đó đảm bảo chức năng hoạt động các các cơ quan, giúp người bệnh duy trì ổn định tình trạng bệnh và có một chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể.

Xin chân thành cảm ơn ThS.BS Trần Thiên Tài đã chia sẻ.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua