Bệnh thường gặp ngày Tết và cách chữa trị kịp thời

Vào ngày Tết, nhiều người thường có những bữa tiệc và uống nhiều rượu bia. Đây là lúc những bệnh thường gặp ngày Tết xuất hiện

Xuân về, Tết đến, mọi người lại có dịp ăn Tết. Ngày xưa, ăn Tết không thể thiếu cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Ngày nay, tuy không có cây nêu, tràng pháo nhưng vẫn còn bánh chưng, bánh tét, dưa món, củ kiệu, nem tré, chả…

Ngày xưa có rượu trắng, cuốc lủi, đế Gò Đen. Ngày nay có bia, rượu đủ hạng. Chỉ tội cho “anh dạ dày” phải gồng mình lên chống chọi. Đâu chỉ có thế, “anh tụỵ, gan, ruột” cũng phải gánh đỡ nữa chứ. Quá tải rồi sinh bệnh. Hãy điểm qua những bệnh thường gặp ngày Tết nhé.

VIÊM TUỴ CẤP

benh thuong gap ngay tet hinh anh 01 Trong cơ thể, tụy là một cơ quan có hai chức năng: nội tiết và ngoại tiết. Chức năng nội tiết được thể hiện ở chỗ là tiết ra nội tiết tố insulin và glucagon để điều chỉnh lượng glucose trong máu và chức năng ngoại tiết là tiết ra các men tiêu hóa đổ vào ruột non để tiêu hóa thức ăn.

Bữa ăn ngày Tết chứa nhiều đạm như thịt lợn, bò, gà, vịt và cả lipid. Ngoài ra còn có cả dầu mỡ dùng trong thức ăn rán. Ăn thì phải có uống rượu bia. Vì thế, tụy phải làm việc quá tải, tiết ra quá nhiều men tiêu hóa hơn bình thường. Các men này thường được chứa trong các nang tụy. Khi các men này nhiều quá sẽ tràn ra ngoài, làm hại cả tuyến tụy. Chính vì vậy mà viêm tuỵ cấp chính là một trong những bệnh thường gặp ngày Tết.

Điển hình sau bữa ăn nhiều dầu mỡ rượu thịt, bệnh nhân kêu đau bụng vùng trên rốn dữ dội. Cơn đau hướng ra sau lưng, không thể giảm đau, kèm theo đó là nôn rất nhiều. Nôn ra thức ăn, dịch tiêu hóa. Bệnh nhân không đại tiện hay trung tiện được. Cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

HÓC XƯƠNG

benh thuong gap ngay Tet hinh anh 02Trẻ ăn thịt gà, thịt vịt có xương, lại ăn nhanh nên dễ mắc xương. Với xương cá, bạn có thể xử trí tại nhà như sau: nhét tỏi vào một bên lỗ mũi làm hắt hơi, nếu xương mắc ở cổ họng sẽ bị tống ra ngoài.
Nếu không được, bạn nên cho trẻ nhập viện để bác sỹ gắp xương ra. Thời gian vàng là sáu giờ. Không nên để muộn hơn thời gian này vì sẽ dễ nhiễm trùng. Với xương gà, vịt khi bị hóc bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện để gắp ra luôn vì hóc các loại xương này nguy hiểm hơn. Bạn không nên cho trẻ nuốt cơm, nuốt mỡ vì có thể bị mắc kẹt trong thực quản gây nhiễm trùng.

VIÊM LOÉT DẠ DÀY – TÁ TRÀNG

benh thuong gap ngay tet hinh anh 03Điểm mặt thủ phạm chính gây viêm loét dạ dày – tá tràng là rượu, bia. Ở người chưa bị viêm loét dạ dày – tá tràng, rượu bia gây giảm lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày – tá tràng, gây tăng tiết a-xít dịch vị, làm niêm mạc dạ dày – tá tràng bị ăn mòn.

Bệnh nhân có thể nôn ra máu, đau vùng trên rốn kèm theo triệu chứng như ợ chua, ợ nóng hay nặng bụng khó tiêu. Còn ở người đã bị viêm loét dạ dày – tá tràng, sau khi uống nhiều rượu bia vào sẽ đau ngay. Nếu bệnh nhân bị nôn ra máu thì cần nhập viện ngay. Còn chỉ đau vùng trên rốn, kèm theo các triệu chứng kể trên thì có thể mua các thuốc như Maalox, Mylanta, Ranitidine… ở hiệu thuốc để điều trị ở nhà. Sau Tết, nếu còn đau thì đến bệnh viện điều trị.

NGỘ ĐỘC THỨC ĂN

benh thuong gap ngay tet hinh anh 04Nếu không cất giữ thực phẩm vệ sinh và đúng cách, thức ăn rất dễ bị ôi thiu. Sau khi ăn thực phẩm bị thiu hay bị nhiễm bẩn, bệnh nhân sẽ lên cơn đau bụng sau 1 – 6 giờ. Đau khắp bụng kèm nôn mửa. Sau đó, đi cầu phân lỏng nhiều lần.
Toàn thân biểu hiện tình trạng mất nước như khát nước, môi khô… Xử trí tại nhà bằng cách uống dung dịch oresol (pha một gói oresol trong 1 lít nước sôi để nguội). Nếu không bớt, đưa bệnh nhân nhập viện.

CƠN GOUT CẤP

benh thuong gap ngay tet hinh anh 05Gout là một bệnh do sự lắng đọng các tinh thể a-xít uric tại khớp và các cơ quan trong cơ thể. Với bệnh nhân đã bị bệnh gout hay chưa từng bị gout, sau một bữa ăn quá nhiều thịt và ăn trong thời gian dài sẽ dễ dẫn đến bệnh này.
Cơn gout thường xảy ra vào ban đêm khi đang ngủ. Điển hình là cơn đau dữ dội ở ngón chân cái của một bên bàn chân (bàn chân bên kia không đau). Đau đến nỗi sờ vào, gió thổi đến, chạm vào chăn đều làm cơn đau tăng lên. Vài giờ sau, ngón chân cái bị đau sẽ sưng, đỏ và nóng lên. Bệnh nhân cần được nhập viện để điều trị.

THỦNG DẠ DÀY

benh thuong gap ngay tet hinh anh 06Đây là một trong những bênh thường gặp ngày Tết, bệnh nhân trước đây bị loét dạ dày – tá tràng, chỉ cần uống bia rượu nhiều quá sẽ khiến ổ loét bị ăn sâu hơn làm thủng dạ dày. Sau buổi tiệc bia rượu, bệnh nhân lên cơn đau bụng dữ dội như dao đâm ở vùng trên rốn. Đau quá làm bệnh nhân không dám cử động, không dám thở mạnh, nằm yên một tư thế ôm bụng rên la. Sờ vào thành bụng thấy cứng như gỗ.

Thường có sốc với biểu hiện như mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt, da xanh tái vã mồ hôi, tiểu ít hoặc vô niệu. Bạn cần đưa bệnh nhân nhập viện ngay. Nếu để lâu các dịch và thức ăn trong dạ dày sẽ đổ vào khoang bụng gây viêm màng bụng rất nặng.

MỘT SỐ BỆNH VIỆN KHÁM CHỮA BỆNH

Trong những ngày Tết, các bệnh viện đều có ê-kíp bác sỹ túc trực. Vì thế, khi gặp bất cứ vấn đề về sức khỏe, cần phải cấp cứu ngay, bạn đều có thể đưa bệnh nhân đến các bệnh viện đa khoa để khám và điều trị:

• Bệnh viện Bạch Mai: 78 Giải Phóng, P. Phương Mai, Q. Đống Đa, Hà Nội, điện thoại (04) 3869 3731.

• Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng: 124 Hải Phòng, P. Thạch Thang, Q. Hải Châu, Đà Nẵng, điện thoại (0511) 382 1118.

• Bệnh viện Chợ Rẫy: 201B Nguyễn Chí Thanh, P. 12, Q. 5, TP. HCM, điện thoại (08) 3855 4138.

Bài: BS . NGÔ VĂN TUẤN

Mục Sức khoẻ / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua