Bệnh tan máu bẩm sinh: Những điều bệnh nhân cần biết

Theo ước tính, ở Việt Nam có hơn 10 triệu người mang gien bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) và mỗi năm có thêm khoảng 2.000 ca mới sinh bị bệnh, ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh và chất lượng giống nòi

Khi mắc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), bệnh nhân cần chú ý những điều sau đây:

CHA HOẶC MẸ MẮC BỆNH CẦN KHÁM TIỀN SẢN ĐỂ BẢO VỆ CON

Bác sỹ Phù Chí Dũng – Giám đốc bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM cho biết, nếu chỉ 1 trong 2 người cha hoặc mẹ bị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thể nhẹ thì con cái sinh ra sẽ có 50% khỏe mạnh và 50% bị Thalassemia thể nhẹ. Nếu cả cha và mẹ bị thể nhẹ, con sinh ra sẽ có 50% thể nhẹ, 25% khỏe mạnh và đặc biệt sẽ có 25% mắc Thalassemia thể nặng. Do đó, khám sức khỏe tiền sản để tầm soát Thalassemia có thể giúp bạn đưa ra quyết định đúng cho tương lai của các con mình.

Nếu đã tiến tới hôn nhân, khi một trong hai hoặc cả hai có gien Thalassemia, bạn vẫn có thể mang thai. Tuy nhiên, trong thời gian mang thai, bạn cần xét nghiệm tiền sản để kiểm tra thai nhi có mang bệnh hay không. Bạn có thể chọn sinh thiết gai nhau thai lúc 10-11 tuần, chọc ối lúc thai 12-16 tuần hay khảo sát máu cuống rốn lúc 18 tuần tuổi. Nếu kết quả thai nhi mắc thể nhẹ, bạn vẫn có thể sinh con và con cũng sẽ lớn bình thường giống bạn. Nếu là thể nặng, lời khuyên tốt nhất bác sỹ dành cho bạn là nên chấm dứt thai kỳ.

CHẾ ĐỘ ĂN CHO NGƯỜI BỆNH TAN MÁU BẨM SINH (THALASSEMIA)

benh tan mau bam sinh hinh anh 4

Để cuộc sống người bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) ít mệt mỏi, nguyên tắc xây dựng bữa ăn là cân đối, đủ chất, ít chất sắt và giàu can-xi. Cụ thể, bạn lưu ý chế độ ăn trong ngày đảm bảo:

♣ Ít hơn 1 muỗng cà-phê muối (<6g)

♣ Ít hơn 3 muỗng cà-phê đường (<18g)

♣ Chất béo: Ít hơn 4 muỗng cà-phê dầu mơ(<20g)

♣ Chất đạm: 50 gam thịt (chọn các loại thịt ít sắt như thịt heo, dê, gia cầm, tránh thịt bò gan, tim, tiết, các loại thịt khô vì giàu sắt), 100g cá (nên ăn các loại cá, cua đồng, tép nhỏ vì ít sắt mà giàu canxi), 1 miếng đậu hũ, 1−2 ly sữa.

♣ Trái cây: 200g

♣ Rau củ: 300g

♣ Lương thực: 300g

♣ Thức ăn giàu vitamin E (trứng, dầu thực vật, ngũ cốc)

♣ Thức ăn giàu Canxi (sữa, phô mai, dầu cá, cua đồng, cá nhỏ, tép nhỏ)

♣ Uống trà trong bữa ăn để giảm hấp thu sắt

♣ Hạn chế thức ăn giàu sắt (thịt bò, gan, huyết , sò huyết …)

♣ Không uống rượu và hút thuốc lá

♣ Uống 2 lít nước/ngày

XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN BỆNH TAN MÁU BẨM SINH (THALASSEMIA)

Benh tan mau bam sinh hinh anh 5

Xét nghiệm đơn giản nhất để hướng đến chẩn đoán bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia là xét nghiệm công thức máu. Ngoài ra, bạn cần phải tiến hành xét nghiệm ferritin, sắt huyết thanh, điện di truyền sắc tố chấn đoán xác định bệnh. Một số trường hợp cần xét nghiệm di truyền sinh học phân tử để xác định có đột biến gen hay không.

NẾU NGHI NGỜ CÓ BIỂU HIỆN BỆNH TAN MÁU BẨM SINH (THALASSEMIA)

Nếu nghi ngờ có biểu hiện bệnh tan máu bẩm sinh (Thalessemia), bạn nên đến khám tại:

♠ Bệnh viện Truyền máu huyết học TP. HCM, 118 Hồng Bàng, Q. 5, TP. HCM.

♠ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, 14 Trần Thái Tông, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Ngoài ra, bạn cũng có thể giúp đỡ các bệnh nhân Thalassemia bằng cách đăng ký hiến máu tại các cơ sở trên.

Tiếp Thị Gia Đình

 

Đừng bỏ qua