Tuần qua, dư luận rúng động với sự việc các em học sinh tiểu học ở Bắc Ninh nhiễm sán lợn; do ăn thịt lợn nhiễm sán từ bếp của trường. Ngay lập tức, hơn 2.000 em học sinh tiểu học tại Bắc Ninh được gia đình đưa đi xét nghiệm. Kết quả: 209 em nhiễm sán lợn. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp xử lý nghiêm vụ việc trên.
Để có cái nhìn đầy đủ về bệnh sán lợn; TTGĐ đã gặp gỡ và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Quốc Tưởng. Theo bác sĩ, ở Việt Nam, bệnh sán dây trưởng thành phân bố nhiều nơi trên cả nước. Tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5–12%. Trong đó, tỷ lệ nhiễm sán dây bò chiếm chủ yếu 70–80%; sán dây lợn chiếm tỷ lệ thấp 10–20%.
Bệnh sán lợn là gì?
Có hai thể bệnh: bệnh ấu trùng sán lợn và bệnh sán trưởng thành ở ruột. Tùy theo người bệnh ăn trứng; hoặc nang ấu trùng sẽ hình thành hai thể bệnh.
Với bệnh ấu trùng sán lợn thì người bệnh ăn phải trứng sán dây lợn; có trong thức ăn hoặc nuốt phải trứng sán. Trứng đi vào dạ dày, nở ra ấu trùng rồi đi đến ruột non. Ấu trùng này sẽ xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu; và di chuyển đến ký sinh tại một số cơ quan trong cơ thể như các cơ vân, não, mắt…
Trường hợp này là nhiễm từ môi trường bên ngoài cơ thể; nên có thể thấy ít ấu trùng ở các mô. Ấu trùng sán theo máu đi đến các cơ, mắt hay não của người; và sẽ hóa thành nang sán.
Còn bệnh sán trưởng thành ở ruột: Trường hợp này là do ăn phải thịt lợn sống hoặc chưa qua nấu chín; có chứa các nang sán (lợn gạo). Khi đi xuống dạ dày, ấu trùng sán sẽ thoát nang; và bám dính vào ruột non rồi phát triển lên thành sán dây trưởng thành.
Dấu hiệu nhận biết?
Dấu hiệu nhiễm sán tùy thuộc vị trí ký sinh của ấu trùng mà gây ra các triệu chứng đau khác nhau.
Ví dụ sán ở não gây ra các rối loạn chức năng khác nhau; như động kinh, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức, có những cơn nhức, đau đầu. Tại mắt gây ra các triệu chứng chèn ép sau nhãn cầu; như tăng nhãn áp, giảm thị lực, song thị. Tại cơ vân sẽ xuất hiện những nang dưới da kích thước từ 0,5 đến 2cm di động dễ; không ngứa, thường ở cơ bắp tay; chân hoặc cơ liên sườn, cơ lưng, ngực, có thể gây ra giật cơ.
Bệnh sán dây trưởng thành thường không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng như đau bụng; rối loạn tiêu hóa hoặc có triệu chứng thần kinh (suy nhược). Những trường hợp nhiều sán, có thể nhìn thấy đốt sán ra theo phân; hoặc tự bò ra ngoài hậu môn (thường nhìn thấy trong quần lót khi thay ra vào cuối ngày làm việc); hoặc xuất hiện đốt sán theo phân (những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như sơ mít, đầu sán bằng phẳng).
Hậu quả ra sao?
Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà mỗi người sẽ có những biểu hiện khác nhau. Khi nang sán làm tổ trong não; người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay chân hoặc liệt nửa người; nói ngọng, rối loạn trí nhớ, đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt thì có thể gây tăng nhãn áp; giảm thị lực hoặc mù vĩnh viễn. Còn trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột; khi đốt sán già rụng có thể gây trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột.
Xét nghiệm gì để chẩn đoán?
Về xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm bệnh; thì tiêu chuẩn vàng là thấy được trứng, nang sán; hoặc đốt sán trưởng thành từ cơ thể người nghi ngờ bệnh; như soi phân tiêu ra sán hoặc ghi nhận nang sán ký sinh trong cơ, não da trên hình ảnh học.
Còn xét nghiệm máu tìm huyết thanh chẩn đoán dương tính; có nghĩa là cơ thể hoặc đã tiếp xúc với con sán hoặc có thể đang mắc sán. Do đó chẳng ai đi tầm soát bằng xét nghiệm máu; hay điều trị bệnh khi xét nghiệm máu dương tính mà không hề có bất cứ triệu chứng nào.
Điều trị ra sao?
Theo phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành; việc tiêu diệt sán trưởng thành chỉ mất 1 ngày, còn tiêu diệt hết trứng sán mất khoảng 2 tuần. Người có dương tính với xét nghiệm uống thuốc theo đúng chỉ định; thì sau 15 ngày có thể sạch sán hoàn toàn. Bệnh ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành có thể điều trị khỏi bằng thuốc Praziquantel và Albendazole.
Tuy nhiên, người bệnh cần được chẩn đoán sớm; và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh nguy cơ phát triển bệnh nặng hơn. Đồng thời, việc điều trị bệnh ấu trùng sán lợn phải thực hiện tại các cơ sở y tế có đủ trang thiết bị cấp cứu; và người bệnh phải được theo dõi hàng ngày.
Đề phòng như thế nào?
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế; để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, mọi người nên ăn chín, uống chín; ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.
Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống; rau sống không đảm bảo vệ sinh. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh và không nuôi lợn thả rông. Người có sán trưởng thành cần phải điều trị, không phóng uế bừa bãi; có biện pháp quản lý phân tươi thích hợp.
Ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút. Vì vậy để phòng nhiễm sán lợn thì cần đảm bảo ăn chín, uống sôi.
Đối với trẻ nhỏ, ngoài rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thường xuyên; bạn cần vệ sinh tất cả các đồ dùng, đồ chơi cho trẻ vì trẻ hay ngậm những thứ trong tầm nắm.
Tiếp Thị Gia Đình