Bệnh mùa mưa, phòng ngay là vừa!

Những cơn mưa rào có thể làm giảm sự oi bức mùa hè, nhưng cũng làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Hãy chú ý bảo vệ sức khỏe bạn nhé!

bệnh mùa mưa

Bệnh mùa mưa nào cần lưu ý? Ảnh: Shutterstock

4 bệnh mùa mưa dưới đây rất thường gặp ở Việt Nam. Bạn cần có kiến thức để phòng ngừa hiệu quả.

1. Bệnh về da

Nguyên do:

Tình hình ngập nước vẫn không cải thiện ở nhiều nơi. Do đó, với việc đi dưới trời mưa; bạn có khả năng tiếp xúc với nước mưa lẫn nước bẩn từ cống, rãnh. Chính nguồn nước này khiến bạn bị nấm tay chân, mụn mủ, viêm nang lông, ghẻ… Bệnh ngoài da là bệnh mùa mưa thường gặp nhất.

Cách phòng ngừa:

Theo khuyến cáo của bác sĩ da liễu, để phòng tránh các bệnh ngoài da; sau khi đi ngoài mưa về, bạn nên rửa tay chân bằng xà bông và lau khô. Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế mang giày quá chật; quá bí chân hoặc mang vớ thấm nước quá lâu.

Trong trường hợp bạn đang có vết thương ngoài da, vết xước hay vết thương hở; hãy đảm bảo che chắn kỹ lưỡng, tránh tối đa nước mưa và nước bẩn. Về đến nhà, bạn nên rửa bằng nước muối và hạn chế gãi nếu cảm thấy ngứa. Bạn cũng cần giữ gìn vệ sinh cơ thể thật sạch sẽ, thường xuyên tắm rửa bằng xà bông diệt khuẩn.

2. Bệnh về hô hấp

Nguyên do:

Tình trạng “sáng nắng chiều mưa” dễ khiến cơ thể không kịp thích nghi; dẫn đến nguy cơ bị cảm lạnh, cảm cúm, ho, sổ mũi. Thời tiết ẩm thấp, mưa gió cũng khiến mọi người rất dễ nhiễm lạnh, hay còn gọi là cảm mạo phong hàn.

Cách phòng ngừa:

Bên cạnh đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày, bạn chú ý bổ sung những loại trái cây giàu vitamin C, uống đủ nước và ngủ đủ giấc. Thường xuyên uống nước thảo mộc, trà gừng tươi cũng là cách giúp bạn phòng cảm cúm hữu hiệu.

Song song đó, việc tập luyện thể dục thường xuyên cũng thúc đẩy hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn. Sau khi bị mắc mưa, bạn nên lau khô người, giữ ấm cơ thể, đồng thời tránh gió lùa, không ở trong phòng đang mở máy lạnh nhiệt độ quá thấp.

3. Bệnh về tiêu hóa

Nguyên do:

Bệnh về tiêu hóa cũng là bệnh mùa mưa phổ biến. Bệnh có xu hướng phát triển trong mùa mưa do ăn phải thức ăn và nước uống bị ô nhiễm. Trong đó, tiêu chảy là phổ biến nhất. Nguyên nhân là cơ thể bị nhiễm vi khuẩn E.coli, ký sinh trùng Giardia, trực khuẩn tả, Rotavirus… phát triển trong nguồn nước bẩn, tù đọng ở cống rãnh.

Ngoài ra, thương hàn là một bệnh gây ra bởi vi khuẩn Salmonella và có độ lây nhiễm rất cao.

Cách phòng ngừa:

Để phòng chống bệnh về tiêu hóa, bạn cần rửa tay thường xuyên bằng xà bông trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; thực hiện ăn chín uống sôi; hạn chế tối đa ăn uống ở các hàng quán kém vệ sinh; sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm. Ngoài ra, ruồi, nhặng, gián là vật trung gian gây nhiễm vi khuẩn gây bệnh tới người. Bạn cần giữ không gian sống sạch sẽ để hạn chế mầm bệnh.

4. Bệnh đau cơ, xương khớp

Nguyên do:

Thời tiết chuyển lạnh khiến các mạch máu ngoại vi giảm cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên, trong đó có da, cơ, khớp. Từ đó gây các triệu chứng như đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng.

Cách phòng ngừa:

Lời khuyên tốt nhất để phòng bệnh  mùa mưa là nên luyện tập thể thao. Nhiều người khi bị đau nhức xương khớp thường sợ đau nên không dám cử động. Thực chất, bạn càng nên vận động thường xuyên nhưng nhẹ nhàng sẽ giúp khí huyết lưu thông, mô sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất và tăng tiết dịch, bôi trơn các khớp.

Chế độ ăn uống cũng rất quan trọng. Ngoài việc cân bằng dinh dưỡng, bạn bổ sung vitamin C, D và các nguyên tố vi lượng, đồng thời ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều canxi như sữa, các loại hạt, rau củ quả.

Cẩn trọng với sốt xuất huyết

Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ bùng phát thành dịch. Để phòng bệnh, bạn cần loại bỏ nơi sản sinh của muỗi, dẹp bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, diệt lăng quăng, giữ vệ sinh nhà cửa và xung quanh sạch sẽ, mắc màn khi ngủ, đặc biệt khi có trẻ nhỏ ở nhà.

Bài: Nou
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua