Điểm danh các bệnh lý tiêu hóa mà bạn dễ mắc phải trong mùa dịch

Bệnh tiêu hóa là nhóm bệnh phổ biến hay gặp trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc chữa trị bệnh trong mùa dịch Covid-19 lại rất khó khăn. Để không gặp phải phiền toái, hãy tham khảo một vài căn bệnh tiêu biểu sau đây nhé!

bệnh lý tiêu hóa thường gặp

Ảnh: Shutterstock

Trong mùa dịch Covid-19, tâm trạng của chúng ta dễ rơi vào trạng thái lo âu, buồn tẻ. Những hành động này vô tình kéo theo một chế độ ăn uống không lành mạnh và mang đến các bệnh lý tiêu hóa thường gặp như đau bụng, rối loạn, tiêu chảy…

Các căn bệnh này không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Để phát hiện bệnh đúng lúc và bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch, hãy dành thời gian lắng nghe cơ thể và sớm xây dựng chế độ sống lành mạnh. Dưới đây là 5 căn bệnh về đường tiêu hóa thường gặp nhất!

Bệnh lý tiêu hóa thường gặp nhất là rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là bệnh lý tiêu hóa thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em và người cao tuổi. Biểu hiện của căn bệnh này gồm chán ăn, ăn không tiêu, đầy hơi chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy,… Hầu hết rối loạn tiêu hóa thuộc dạng nhẹ và có thể xử trí tại nhà. Cụ thể nếu bị tiêu chảy, hãy uống Oresol sau khi đi tiêu. Nếu không có sẵn thuốc, bạn có thể pha dung dịch muối đường. Tỷ lệ gồm 8 muỗng cà phê đường, một muỗng cà phê muối trong một lít nước.

Sau hơn 2 ngày vẫn chưa thuyên giảm; hoặc khi người bệnh vẫn tồn tại các dấu hiệu như đi ngoài phân lỏng liên tục; nôn ói nhiều kèm sốt,… cần đưa đi thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Ngộ độc thức ăn

Lệnh giãn cách xã hội buộc chúng ta không thể đi chợ thường xuyên. Lúc này, việc trữ thực phẩm trong tủ lạnh trở thành 1 giải pháp cực hữu ích. Tuy nhiên, cách làm này cũng có thể mang lại nguy hiểm cho sức khỏe. Để không gặp phải phiền toái về tiêu chảy hay ngộ độc, bạn nên tham khảo thật kỹ và phân loại đúng. Nếu chỉ bị tiêu chảy ít, hãy tự bù nước và bổ sung thêm thuốc điện giải như Oresol.

Với các trường hợp tiêu chảy quá nhiều; hoặc người bệnh có dấu hiệu sốt kèm nôn ói và đau bụng, hãy đưa đến bệnh viện gần nhất để được xử trí kịp thời.

Viêm dạ dày

Viêm dạ dày mãn tính thường có thể mang các biểu hiện như đau bụng trên, khó tiêu hóa, đầy hơi chướng bụng; hoặc buồn nôn, ợ nóng/ợ chua,… Do đó, rất khó để phát hiện bệnh lý này, nhất là trong mùa dịch chúng ta thường dễ bỏ bữa và căng thẳng tâm lý.

Theo TS. BS Võ Duy Long – Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cho biết đa số các trường hợp đau dạ dày tạm thời có thể dùng thuốc tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Vì vậy, chúng ta có thể thủ sẵn thuốc tráng niêm mạc dạ dày để phòng hờ. Trong trường hợp đã uống thuốc nhưng cơn đau vẫn không giảm, hãy đưa người bệnh đến bệnh viện nhanh nhất.

Táo bón

Nếu đã quá 2 ngày mà bạn vẫn chưa đi ngoài, rất có thể bạn đang gặp phải hiện tượng táo bón. Nguyên nhân bệnh lý tiêu hóa thường gặp này bao gồm không ăn đủ chất xơ, không uống đủ nước; hoặc thường xuyên căng thẳng và không vận động.

Ở trường hợp này, bạn cần thay đổi thói quen sinh hoạt của mình. Theo các chuyên gia, buổi sáng là thời gian đại tràng hoạt động mạnh nhất. Do đó, hãy đi ngoài vào thời điểm này. Đồng thời, xác định nguyên nhân dựa chế độ ăn hằng ngày và điều chỉnh lại. Khi táo bón kéo dài quá lâu, bạn nên đến bệnh viện để được tư vấn kịp thời.

Trào ngược dạ dày

Thỉnh thoảng, bạn vẫn có thể bị trào ngược axit hoặc ợ nóng. Nguyên nhân là do khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản sẽ gây ra tình trạng trào ngược axit. Nó làm bạn cảm thấy đau rát vùng giữa ngực và thường xảy ra sau bữa ăn hoặc vào ban đêm. Ngoài ra, căng thẳng do áp lực trong công việc và cuộc sống cũng là yếu tố gây ra tình trạng này.

Nếu chỉ gặp phải tình trạng này thoáng qua, bạn có thể tự điều trị bằng cách uống 1 viên omeprazole 20 mg trước khi ăn sáng và tối khoảng 30 phút. Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị thuốc ho siro thảo dược; kẹo ngậm (kẹo gừng, chanh muối) để giảm cảm giác nhạt miệng.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, nếu bạn bị ợ nóng kéo dài đi kèm hôi miệng, buồn nôn; hoặc đau tức ở ngực hoặc ở phần trên của bụng,… hãy đến bệnh viện để được thăm khám.

Khi nào cần đến bệnh viện khi mắc bệnh lý tiêu hóa thường gặp?

Theo BS. Long, khi người bệnh xuất hiện các cơn đau bụng cấp sẽ cần được đưa đến bệnh viện ngay. Bởi đây dấu hiệu ban đầu của rất nhiều bệnh lý như viêm ruột thừa, thủng dạ dày (do viêm loét dạ dày nặng gây biến chứng), viêm tụy cấp, viêm túi mật, sỏi mật, viêm tắc động mạch treo…

Trong khi đó, nếu cảm nhận cơ thể xuất hiện các cơn đau bụng kèm theo sốt kéo dài từ 3 – 4 ngày cũng cần được đưa đến bệnh viện nhanh chóng.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua