Bệnh đau mắt đỏ còn gọi là bệnh viêm kết mạc hay viêm kết mạc họng hạch. Nguyên do vì khi mắc bệnh, người bệnh không chỉ bị đau mắt mà còn bị viêm họng, nổi hạch ở vùng sau tai. Bệnh đau mắt đỏ do virus Adenovirus gây ra, có khả năng lây lan cực mạnh. Đặc biệt thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao, chính là đỉnh điểm của bệnh dịch.
Tác hại khôn lường của bệnh đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ dễ nhận ra với các triệu chứng ban đầu như sốt, họng hơi đau, khó nuốt, hạch nổi ở dưới cằm hoặc dưới mang tai, mắt có cảm giác khó chịu như có cộm, mi mắt sưng nhẹ. Sau đó mắt sẽ nặng hơn với các triệu chứng như mắt đỏ, liên tục bị chảy gỉ, chảy nước mắt, mi mắt sưng mọng và khó nhìn. Sau khi thức dậy, mắt khó mở vì màng nhiều gỉ. Tiếp đó 3−5 ngày, bệnh sẽ lây sang mắt còn lại.
Bệnh có thể ở hai mắt không cân xứng nhau. Bệnh thường sẽ hết sau 1−2 tuần. Tuy nhiên nếu không điều trị đúng cách, bệnh sẽ kéo dài và điều trị mất 2–3 tuần, thậm chí dẫn đến một số biến chứng, cụ thể:
√ Biến chứng về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi…
√ Sốt cao không hạ nhiệt, gây co giật, trường hợp nặng có thể làm tăng nhãn áp dẫn đến mù lòa.
√ Nếu bệnh kéo dài có thể biến chứng thành: viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, loét giác mạc, viêm tuyến lệ cấp tính… gây sẹo, giảm thị lực hoặc thậm chí gây mù lòa.
√ Bệnh đau mắt đỏ hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho nên cách tốt nhất là phòng chống không để bị nhiễm bệnh.
Cách phòng chống bệnh đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ chủ yếu lây qua 3 đường: hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay – mắt, quan hệ vợ chồng. Do khả năng lây lan rất nhanh nên bệnh có thể phát triển thành dịch bệnh. Đặc biệt mầm bệnh có khả năng sống trong môi trường bên ngoài nên người bệnh vẫn có thể là nguồn lây lan sau khi đã khỏi bệnh.
Vì thế để hạn chế khả năng nhiễm bệnh, ta luôn phải giữ gìn vệ sinh thật sạch sẽ và hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Cụ thể:
√ Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước diệt khuẩn.
√ Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.
√ Không dùng chung thuốc nhỏ mặt với người khác.
√ Không dùng tay dụi mắt.
√ Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt, khi tiếp xúc nên đeo khẩu trang.
√ Hạn chế đến nơi công cộng như: bệnh viện, rạp chiếu phim, hồ bơi…
√ Khi đi đường nên đeo kính để tránh bụi bẩn.
√ Hằng ngày, giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và phơi nơi có đầy đủ ánh sáng.
√ Khi đang trong mùa dịch, nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý 3 lần/ngày vào các buổi trong ngày.
√ Đối với trẻ em, khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị nhiễm bệnh, nên thông báo cho nhà trường và cho bé nghỉ học đến khi khỏi bệnh nhằm tránh lây lan thành dịch bệnh.
Lưu ý cách phòng ngừa bênh đau mắt đỏ để bảo vệ sức khỏe cho bạn và gia đình.
Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình