Bát nháo thị trường xe đạp điện

Hai năm gần đây, đáp ứng nhu cầu sử dụng xe đạp điện tăng cao, rất nhiều nhãn hiệu xe đạp điện được tung ra thị trường, nhưng xuất xứ và chất lượng của chúng thì hầu như thả nổi

Cứ nhìn cảnh học sinh tan học ở bất cứ trường cấp ba nào trên địa bàn thành phố Hà Nội, có thể thấy xe đạp điện hiện chiếm số lượng áp đảo. Đại diện trường THPT Lương Thế Vinh cho biết hiện phương tiện này chiếm hơn 2/3 số lượng xe tại nhà gửi xe của nhà trường.

ĐẾN KHỔ VÌ XE

Năm 2013, anh Đặng Hồng Tiến (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) mua chiếc xe đạp hiệu Topbike cho con đi học. Chỉ hai năm sau, chiếc xe này “nghỉ hưu”. Anh Tiến bức xúc: “Tôi mua xe lại của một người bạn, giá 8 triệu đồng, bảo hành hai năm. Đi được đúng hai năm thì pin hỏng, ra cửa hàng thay pin mới, thợ hét giá tận 4 triệu đồng. Tiếc tiền, tôi đành dắt xe về”.

Cơ quan chỉ cách nhà 4 cây số nên chị Thục Vy (Q. Ba Đình, Hà Nội) mua xe đạp điện để đi làm. Ba tháng đầu tiên, xe đi êm ru, đến tháng thứ tư thì bắt đầu có chuyện. “Hôm ấy, tôi dừng ở ngã tư đèn đỏ, xe bỗng chết máy, không khởi động lại được. Trời đã nhá nhem tối, tôi tấp vào tiệm sửa xe máy gần đó thì bị từ chối vì thợ không biết sửa xe đạp điện. Chẳng có tiệm nào nhận sửa, tôi đành dắt bộ xe về nhà để hôm sau mang đi bảo hành. Tìm nơi sửa xe rất khó, mà địa chỉ bảo hành thì xa, vì thế lúc nào dắt xe ra khỏi nhà, tôi cũng lo nơm nớp”, chị Vy nói.

LOẠN THƯƠNG HIỆU

20151106-bat-nhao-thi-truong-xe-dap-dien-01

Tuổi thọ của xe đạp điện phụ thuộc vào tuổi thọ của pin

Chúng tôi đến một cửa hàng xe đạp điện trên phố Xã Đàn (Q. Đống Đa, Hà Nội) để hỏi về dòng xe đang được ưa chuộng nhất. Chủ cửa hàng khuyên nên mua chiếc Bridgestone SL148 nhập khẩu giá 15.200.000 đồng và Giant 133S giá 13.800.000 đồng. Trước đó, anh khẳng định Bridgestone là dòng xe nổi tiếng của Nhật Bản nhưng khi chúng tôi gặng hỏi kỹ, anh mới thú thật: “Thương hiệu Nhật Bản nhưng đây không phải là hàng Nhật xịn mà được sản xuất tại Trung Quốc, Đài Loan rồi nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam”.

Chúng tôi hỏi về những chiếc xe đạp điện được gắn thương hiệu quen thuộc như Honda, Yamaha, người bán hàng cũng thừa nhận chúng đều sản xuất ở Trung Quốc.

Tiếp tục đến một cửa hàng xe đạp điện khác, chúng tôi được người bán hàng tư vấn nên mua xe Giant 133S giá 12.000.000 đồng. Chúng tôi hỏi nguồn gốc xuất xứ, người bán khẳng định đây là dòng xe tốt nhất, lắp ráp tại Việt Nam. “Bên em có hai nhà máy lắp ráp tại Bắc Ninh và Nội Bài. Còn linh kiện nhập một số từ Trung Quốc”, họ lấp lửng.

Tham khảo thêm một số cửa hàng xe đạp điện trên các con phố chuyên bán xe đạp điện như Khâm Thiên, Phố Huế, chúng tôi nhận được kết quả tương tự. Bên cạnh Giant 133S còn có xe na ná như 133i, 133H… với nhiều mức giá khác nhau. Tại một cửa hàng trưng biển “hàng chính hãng” trên Phố Huế, chúng tôi đề nghị được xem giấy tờ chứng minh nguồn gốc của xe Giant 133S thì thấy giấy tờ, dấu đỏ hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc.

Không có dấu hiệu nào cho thấy chiếc xe đã qua kiểm định chất lượng. Chúng tôi thắc mắc điều này, anh bán hàng kiêm thợ sửa xe phủi tay: “Hàng nhập khẩu nguyên chiếc cần gì qua kiểm định”.

CHẤT LƯỢNG THẢ NỔI

Bởi bị thả nổi chất lượng nên những bộ phận được coi là cốt yếu nhất trên xe đạp điện là pin – ắc quy và động cơ rất hay bị hỏng. Ngay cả HKbike, đơn vị xe đạp điện tiên phong có nhà máy sản xuất tại Việt Nam (kiểm soát quy trình hoàn thiện từ thiết kế, làm khuôn, lắp ráp và thành lập chuỗi cửa hàng) cũng chỉ tự sản xuất được 40% linh phụ kiện trên xe, bao gồm gương, lốp và phụ kiện. Còn lại là động cơ, pin – ắc quy và điều tốc đều nhập từ Trung Quốc. Tuổi thọ pin là hai năm, ắc quy là một năm.

Ông Bùi Xuân Bình, Giám đốc Hiệu suất và Quy trình hãng xe đạp điện HKbike, lý giải: “Bởi công nghệ làm pin và ắc quy của đối tác chỉ có một ngưỡng sử dụng và bảo hành nhất định nên hãng xe đạp điện chỉ có thể bảo hành đến ngưỡng đó. Chúng tôi luôn cố gắng bảo hành thời gian tốt nhất cho khách hàng. Hiện HKbike đang nghiên cứu, cải tiến để sắp tới có thể ra mắt thị trường mẫu xe tiện dụng, giá cả phải chăng và tăng tuổi thọ của xe”.

Theo ông Bình, để thanh lọc thị trường xe đạp điện, cần phải có một chính sách quản lý chất lượng xe đạp điện rõ ràng. “Nếu là cơ sở lắp ráp xe thì phải có quy trình kiểm soát chất lượng linh kiện đầu vào đến từng công đoạn lắp ráp. Xe nhập khẩu cần có chứng từ nhập khẩu do hải quan cấp và đăng ký kiểm tra chất lượng, được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và dán tem kiểm định chất lượng trước khi bán ra thị trường. Nếu quy định này được thực thi một cách chặt chẽ thì xe nhập lậu không thể tồn tại”, ông nói.

LƯU Ý KHI MUA XE ĐẠP ĐIỆN

20151106-bat-nhao-thi-truong-xe-dap-dien-03

Nhận diện bằng tem điện tử: Mới đây phần mềm iCheck giúp nhận diện hàng thật – hàng giả đã được tích hợp thêm chức năng nhận diện thật giả qua tem điện tử QR Code dành cho xe đạp điện. Người tiêu dùng có thể truy cập https://icheck.vn để tải phần mềm này về sử dụng miễn phí trên điện thoại thông minh.

 Anh Nguyễn Trọng Toản, một thành viên sáng lập iCheck cho biết, tem sẽ được dán lên các xe đạp điện chính hãng. Khi khách hàng mua xe đạp điện, họ sẽ được quét mã QR Code và kích hoạt mẫu tem đó qua camera của điện thoại thông minh. Nếu kết quả trả về sai lệch với thông tin trên tem thì khách hàng nên đặt dấu hỏi. “Chúng tôi đang đàm phán với một số doanh nghiệp sản xuất xe đạp điện tại Việt Nam thuyết phục họ tham gia chống hàng giả bằng phần mềm này”, anh Toản nói.

Ông Bùi Xuân Bình, Giám đốc Hiệu suất & Quy trình HKbike cũng tư vấn: Phân biệt hàng giả, nhái với hàng chính hãng bằng ba loại tem: tem xuất xứ, tem thông số kỹ thuật và tem đăng kiểm. Nếu trên xe có ba loại tem như thế và logo hãng dập nổi hoặc in chìm ngay trên thân xe, linh kiện thì bạn có thể yên tâm đó là hàng chính hãng. Bạn nên trao đổi kỹ với cửa hàng, showroom về chính sách bảo hành, chăm sóc khách hàng sau khi mua xe. Bởi những doanh nghiệp, đơn vị bán hàng uy tín thường có chuỗi cửa hàng để khách thuận tiện mua – bảo hành xe, đi kèm đó là dịch vụ cứu hộ tận nơi, bảo dưỡng xe định kỳ…

Thượng tá Lê Đức Đoàn, nguyên chiến sĩ Đội CSGT số 1, Công an TP. Hà Nội: “XE ĐẠP ĐIỆN PHẢI LẮP THÊM GƯƠNG CHIẾU HẬU!”

20151106-bat-nhao-thi-truong-xe-dap-dien-02

Học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ba, hàng bốn trên phố Xã Đàn, Hà Nội

Nhiều lần đứng làm nhiệm vụ tại chốt trực, tôi không khỏi lo ngại trước cảnh các em học sinh đi xe đạp điện dàn hàng hai, hàng ba, bất ngờ phóng vút lên, tạt đầu xe đi bên cạnh. Có những người đi xe máy, ô-tô phải nhường đường cho các em vì sợ tai nạn sẽ xảy ra.

Với loại phương tiện mới này, chúng ta không thể nói cấm mà chỉ có thể quản lý và cải tiến để sử dụng cho an toàn. Theo tôi, nhất thiết xe đạp điện phải lắp gương chiếu hậu, còi, đèn sáng. Chúng ta không thể tư duy theo kiểu đây là loại xe thô sơ, không đội mũ bảo hiểm, vừa sang đường vừa ngoái lại đằng sau để nhìn đường được.

Nên có những lớp đào tạo kỹ năng đi xe và cấp chứng chỉ ở trường học, tổ dân phố để người dân dễ dàng tham gia. Khi người dân vi phạm, cơ quan chức năng có thể kiểm tra, xác định lỗi.

Để giải quyết tình trạng xe lưu thông mà chưa đăng ký, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ cho phép miễn lệ phí trước bạ đối với xe đạp điện. Người dân chỉ cần mang xe đến cơ quan công an đăng ký biển số xe mà không cần phải đăng kiểm. Việc này thực hiện đến hết ngày 31–12–2015.

Từ ngày 1–1–2016, khi đi đăng ký biển số xe, chủ phương tiện cần phải mang thêm giấy tờ đăng kiểm của xe. Lực lượng cảnh sát giao thông cả nước sẽ xử phạt nghiêm các trường hợp đi xe máy điện, xe đạp điện không đăng ký biển kiểm soát.

THU HÀ

Mục Câu chuyện & Con người/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua