Trước đó ngày 23-8, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế công bố trong 18 mẫu được kiểm nghiệm từ đầu tháng 8 đến nay chỉ có 1 mẫu là có dư lượng kim loại nặng vượt ngưỡng an toàn, đó là mẫu cá trạng buồn.
Tuy nhiên kết quả của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia lại cho thấy 8/9 mẫu hải sản gồm cá trạng buồn, cá nhồng, cá đuối, cá man, cá mu, ghẹ ba mắt, cá mỏ neo… được lấy hôm 5-8 tại huyện Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) có hàm lượng chất độc vượt ngưỡng cho phép.
Cụ thể, cá trạng buồn có hàm lượng cadimi mức 0,079mg/kg, vượt mức cho phép theo quy định hiện hành. Đặc biệt, cơ quan này phát hiện xyanua trong 5 mẫu: ghẹ 3 mắt với hàm lượng 0,8mg/kg, cá đuối 0,8mg/kg, cá nhồng 0,6mg/kg, cá man 0,5mg/kg, cá mỏ neo 3,9mg/kg và phenol trong 3 mẫu: cá đuối 14mg/kg, ghẹ ba mắt 10mg/kg, cá man 8,3mg/kg.
Như vậy, kết quả phân tích các hải sản miền Trung nhiễm độc giữa hai cơ quan về vệ sinh thực phẩm đã có sự mâu thuẫn lớn. Trong khi Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố trong 8 mẫu hải sản được lấy phân tích chỉ có 1 mẫu không đạt thì kết quả phân tích của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia lại có tới 5/9 mẫu không đạt tiêu chuẩn để làm thực phẩm.
Liên quan đến sự bất nhất này, Cục An toàn thực phẩm cho biết, kết quả đơn vị này công bố là tính đến ngày 19-8, còn kết quả kể trên là hôm 22-8 của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia gửi tới, Cục chưa cập nhật về số liệu.
Tính từ tháng 4 đến nay, nhiều kết quả kiểm tra hải sản ở bắc miền Trung được công bố nhưng có phần trái ngược nhau. Cụ thể cuối tháng 5-2016, Bộ Y tế công bố kết quả kiểm tra trên 140 mẫu hải sản tươi, muối, rau ăn, nước ăn… lấy tại khu vực 4 tỉnh gặp thảm họa môi trường, trong số này có 97 mẫu hải sản, kết quả được công bố trên truyền thông là chưa phát hiện dư lượng chất độc hại vượt ngưỡng.
Tuy nhiên, một kết quả khác mới công bố cho thấy trong hơn 430 mẫu hải sản lấy ở hai tháng 4 và 5, tỉ lệ mẫu còn dư lượng kim loại nặng như chì, sắt, crôm… là rất cao. Đến tháng 7 vừa qua, tỉ lệ này vẫn còn lên tới 25,9%.
Trước đó, bà Trần Việt Nga, phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, chậm nhất là cuối tháng 8 sẽ công bố cá vùng biển bị nhiễm độc chất thải của Formosa đã ăn được hay chưa. Việc công bố này dựa trên những kết quả phân tích từ mẫu hải sản tươi lấy ngẫu nhiên từ vùng biển 4 tỉnh bị ảnh hưởng của việc Formosa xả thải. Đồng thời, một hội đồng khoa học đã được thành lập để đánh giá cá biển miền Trung ăn được hay chưa.
“Chúng tôi khẳng định việc công bố hoàn toàn dựa trên sự thật”-bà Nga nói.
LÂM VIÊN
Ảnh: TTO
Tiếp Thị Gia Đình